Ban Dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh: Long trọng tổ chức kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống Cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc
11:06 AM 08/05/2012 | Lượt xem: 4129 In bài viết |Hòa cùng khí thế tưng bừng, phấn khởi của cả nước kỷ niệm 37 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2012); kỷ niệm 122 năm Ngày sinh của Bác Hồ kính yêu. Sáng ngày 3/5/2012, lần đầu tiên Ban Dân tộc thành phố Hồ Chí Minh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống Cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc (3/5/1946-3/5/2012).
Tham dự buổi Lễ, về phía các cơ quan Trung ương, có lãnh đạo Vụ Địa phương III- Ủy ban Dân tộc; đại diện Ban Dân vận Trung ương và đại biểu một số cơ quan đóng trên địa bàn Thành phố. Về phía thành phố Hồ Chí Minh, có ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cùng đại diện Ủy viên Ủy ban, đại diện các Sở, Ban, Ngành của Thành phố và toàn thể cán bộ, công chức Ban Dân tộc, cán bộ phụ trách công tác dân tộc của 24 Quận, Huyện của Thành phố. Tham dự buổi Lễ còn có một số vị lão thành cách mạng, hưu trí đã từng tham gia công tác vùng dân tộc thiểu số của Thành phố qua các thời kỳ.
Trong bài phát biểu ôn lại truyền thống chặng đường vẻ vang của Cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc, ông Trưởng Ban Dân tộc nêu rõ: Ban Dân tộc thành phố Hồ Chí Minh được thành lập ngày 16/3/2012, trên cơ sở hợp nhất Ban Công tác người Hoa thành phố và bộ phận quản lý nhà nước về công tác dân tộc của Ban Tôn giáo – Dân tộc thuộc Sở Nội vụ. Ban Dân tộc được UBND thành phố giao chức năng là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện quản lý nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn thành phố, với 15 nhóm công việc, đặc biệt trong đó có việc thực hiện hợp tác Quốc tế trong lĩnh vực công tác dân tộc theo quy định của pháp luật. Ban Dân tộc thành phố có trách nhiệm nghiên cứu, hướng dẫn và phối hợp với các Sở, Ban, Ngành quản lý, thực hiện công tác dân tộc, đề xuất các chủ trương, giải pháp, nhằm động viên, phát huy tối đa khả năng của đồng bào DTTS trong công cuộc xây dựng và phát triển Thành phố.
Theo số liệu điều tra dân số và nhà ở năm 2009, thành phố Hồ Chí Minh có 54 thành phần dân tộc, trong đó có 462.612 người DTTS, sinh sống rải rác ở 24 quận, huyện. Với truyền thống đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống, luôn tôn trọng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng bào DTTS thành phố Hồ Chí Minh đã an cư lạc nghiệp, đã và đang ngày càng hòa nhập vào cộng đồng, tích cực góp phần cùng nhân dân Thành phố xây dựng và phát triển thành phố HCM ngày càng giàu mạnh.
Thay mặt Lãnh đạo Thành phố, ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đánh giá cao sự cống hiến của các thế hệ cán bộ là người dân tộc thiểu số, những người công tác trong vùng DTTS, đặc biệt là cán bộ, nhân dân người Hoa và ban Hoa vận, Ban Công tác người Hoa thành phố Hồ Chí Minh trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân pháp, chống đế quốc Mỹ và công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến nay. Ông xúc động cám ơn, ghi nhận công lao của các lớp cán bộ dân tộc Thành phố và gửi lời thăm hỏi, tri ân đến mọi người.
Từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố luôn quan tâm chăm lo kinh tế-đời sống cho đồng bào các DTTS trên địa bàn Thành phố, ngoài nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, Thành phố đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để chăm lo cho các hộ DTTS nghèo và gia đình chính sách. Các ngành, các cấp, MTTQ và các đoàn thể thông qua việc thực hiện chủ trương xã hội hóa, đã phát huy mọi nguồn lực của xã hội đẩy mạnh thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, thực hiện lồng ghép nhiều chính sách đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho hộ nghèo, khó khăn. Đời sống của đồng bào đã có sự thay đổi đáng kể, số hộ giàu và khá tăng lên, hộ nghèo giảm dần. Đồng bào các DTTS Thành phố ngày càng thể hiện rõ sự ổn định, an tâm, tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng nhấn mạnh một số vấn đề chính có liên quan đến đồng bào DTTS của Thành phố mà Ban Dân tộc cũng như toàn hệ thống chính trị của Thành phố cần quan tâm hơn nữa trong thời gian tới:
Tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS của Thành phố về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, về chính sách dân tộc của Đảng, pháp luật của Nhà nước, về truyền thống đấu tranh cách mạng, ý thức công dân. Động viên đồng bào tích cực tham gia các phong trào hành động cách mạng ở địa phương, đặc biệt là tham gia “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Ban Dân tộc thành phố là cơ quan kế thừa những kinh nghiệm quý báu và truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của Ban Hoa vận Sài Gòn-Gia Định năm xưa, và hiện nay có vai trò, vị trí quan trọng, có chức năng, nhiệm vụ nặng nề, có trách nhiệm cao cao cả, có vinh dự lớn trước đồng bào các DTTS, nhân dân và trước Lãnh đạo Thành phố. Vì vậy Ban Dân tộc cần phải nhanh chóng nắm chắc các đối tượng chính sách nhất là các lớp cán bộ dân tộc qua các thời kỳ, tham mưu cho lãnh đạo Thành phố có kế hoạch thực hiện tốt chính sách với người có công trên địa bàn Thành phố.
Ban Dân tộc Thành phố phải thực sự là cơ quan tham mưu đắc lực cho thành ủy, tổ chức thực tốt công tác quản lý nhà nước của UBND Thành phố giao cho và phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ngành để triển khai thực hiện tốt chính sách dân tộc, công tác dân tộc trên địa bàn thành phố.
Nắm sát tình hình thực tế kinh tế-đời sống đồng bào DTTS của thành phố, nghiên cứu các giải pháp đột phá trong công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc bền vững. Khai thác tiềm năng, thế mạnh, đặc điểm, điều kiện của từng dân tộc, để đầu tư, phát triển sản xuất hàng hóa phù hợp với khả năng của của họ và đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của thị trường.
Nghiên cứu chính sách phát triển giáo dục và đào tạo con em đồng bào DTTS có chất lượng cao, nâng cao dân trí, coi trọng đào tạo cán bộ và đội ngũ trí thức dân tộc; phát huy tiềm năng, thế mạnh về văn hóa-văn nghệ của đồng bào DTTS thành phố; kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, duy trì thường xuyên, liên tục các loại hình nghệ thuật của các dân tộc, góp phần xây dựng nền văn hóa thành phố nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung, đa dạng, phong phú, giàu bản sắc dân tộc.
Tại buổi Lễ, UBDT, UBMTTQVN thành phố Hồ Chí Minh, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thành phố đã gửi lẵng hoa đến chúc mừng./.
Nguyễn Xuân Châu