Góp ý Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương
08:06 AM 28/01/2015 | Lượt xem: 2556 In bài viết |Ngày 26/1, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Nội vụ đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2013 có một số điểm mới nổi bật so với Luật được ban hành năm 2003.
Về mô hình tổ chức chính quyền ở các đơn vị hành chính, Dự thảo Luật xây dựng 2
phương án. Phương án 1: Không tổ chức HĐND quận, phường. Phương án 2: HĐND được
tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính nhưng có đổi mới về chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn và cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND các cấp. Về nguyên tắc phân định thẩm
quyền giữa các cấp chính quyền địa phương, Dự thảo Luật quy định nguyên tắc phân
định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương theo hướng đẩy mạnh phân cấp,
tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong
việc quyết định các vấn đề của địa phương.
Về tổ chức đơn vị hành chính, Dự thảo Luật quy định tên gọi của “đơn vị hành
chính tương đương” thuộc thành phố trực thuộc Trung ương là “thành phố”, với các
đơn vị hành chính trực thuộc là phường và xã; quy định các nội dung cơ bản về
điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa
giới đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính các cấp và giao Chính phủ
quy định cụ thể theo hướng hạn chế tối đa việc chia tách làm tăng thêm đơn vị
hành chính các cấp; quy định trình tự, thủ tục và thẩm quyền quyết định thành
lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, phân loại đơn
vị hành chính các cấp.
Đa số ý kiến đại biểu đều cho rằng, nếu không tổ chức HĐND ở đơn vị hành chính
nào là bỏ đi một thiết chế làm chủ, gần gũi và gắn bó nhất với người dân trên
địa bàn, điều đó đi ngược lại với quan điểm tăng cường quyền làm chủ của nhân
dân. Việc này sẽ làm cho chính quyền xa dân hơn.
Theo đại diện Sở Nội vụ thành phố Cần Thơ, các Điều 110, 111, 112 của Hiến pháp
năm 2013 khẳng định rõ ở mỗi cấp hành chính đều phải có chính quyền địa phương;
chính quyền địa phương bao gồm HĐND và UBND. Còn việc tổ chức như thế nào cho
phù hợp thì dự án Luật phải quy định cụ thể các vấn đề về cơ cấu, tổ chức bộ máy,
nhân sự, nhằm đảm bảo cho việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nhận xét: Trên thực
tế, một số nơi hoạt động của HĐND còn mang tính hình thức, thiếu hiệu lực, hiệu
quả. Song nguyên nhân là do các cấp tổ chức thiếu cơ chế, chế tài và chưa hội đủ
các điều kiện cần thiết để HĐND phát huy vai trò, chức năng của mình. Không nên
dựa vào một số nơi hoạt động của HĐND không tốt để lấy đó làm cơ sở thực hiện
việc không tổ chức HĐND - cơ quan đại diện của nhân dân. Dự thảo Luật cũng chưa
lý giải thấu đáo vì sao không tổ chức HĐND quận, phường, trong khi các đơn vị
hành chính tương đương khác cũng có tính chất đô thị như thị xã, thành phố thuộc
tỉnh, thị trấn thuộc huyện vẫn tổ chức HĐND./.
Ánh Tuyết/TTXVN