Phụ nữ DTTS tham gia nhiều hơn công tác xã hội
08:35 AM 18/03/2015 | Lượt xem: 2737 In bài viết |Những năm qua, bình đẳng giới ở Việt Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn. Các tầng lớp phụ nữ, trong đó có phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) đã phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo trong học tập, lao động và công tác, giành nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần quan trọng xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc và sự phát triển chung của đất nước.
Phụ nữ chiếm một nửa dân số và
có 83% số phụ nữ ở độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động. Tính đến hết
năm 2011, tỷ lệ phụ nữ biết chữ là 92%; 80% số phụ nữ, trẻ em gái ở vùng sâu,
vùng xa, vùng DTTS được đi học đúng tuổi. Tỷ lệ nữ sinh viên chiếm hơn 50%;
30,53% số phụ nữ là thạc sĩ và 17,1% tiến sĩ. Theo xếp hạng năm 2012 của Liên
hợp quốc về chỉ số bất bình đẳng giới (GII), Việt Nam xếp thứ 47/187 quốc gia,
cải thiện đáng kể so với vị trí 58/136 quốc gia năm 2010.
Hiện nay, ở nước ta, nếu xét cơ cấu theo giới thì tỷ lệ nam giới thấp hơn nữ
giới. Ở vùng dân tộc, miền núi cũng có xu hướng này nhưng độ chênh lệch cơ cấu
giữa nam và nữ nhỏ hơn (0,7%). Riêng với đồng bào DTTS, tỷ lệ nam giới rất thấp,
chỉ chiếm 42,8%, trong khi tỷ lệ nữ giới chiếm 57,2%. Một số dân tộc có độ chênh
lệch giữa nam và nữ rất cao: Xtiêng 16,88%, Mnông 16,42%; Chu Ru, Tà Ôi, Lô Lô
hơn 16%, Khmer 15,88%, RaGlay 15,72%. Những con số này cho thấy phụ nữ DTTS giữ
vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và
miền núi...
Tuy vậy, trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh
tế quốc tế, tình hình phụ nữ và công tác phụ nữ tại vùng dân tộc và miền núi còn
nhiều mặt hạn chế, đồng thời lại có những vấn đề mới đặt ra với nhiều thách thức.
Do còn bị ảnh hưởng của tư tưởng trọng nam hơn nữ cho nên phụ nữ DTTS bị hạn chế
hơn nam giới về cơ hội học tập, có việc làm và thu nhập; số phụ nữ thiếu việc
làm ngày càng tăng; tỷ lệ phụ nữ không biết chữ, phụ nữ nghèo còn cao và bị ràng
buộc bởi một số phong tục, tập quán lạc hậu; tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo,
quản lý thấp, chưa tương xứng với năng lực và sự phát triển của lực lượng lao
động nữ, nguồn cán bộ nữ hẫng hụt ở một số lĩnh vực, tỷ lệ cán bộ nữ sụt giảm;
định hướng lãnh đạo, chính sách, phương pháp công tác vận động phụ nữ DTTS còn
thiếu, không sát hợp với từng đối tượng, khu vực, vùng, miền, chưa đáp ứng kịp
thời yêu cầu mới...
Ðể đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu,
nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Ðảng ta đặc biệt coi trọng phát huy sức
mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên sự nỗ lực vượt bậc của toàn dân, trong
đó có phụ nữ nói chung, phụ nữ DTTS nói riêng; tiếp tục đổi mới công tác phụ nữ
để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn, chủ động hơn, đóng góp ngày càng lớn hơn
cho sự phát triển của gia đình, cộng đồng, đất nước và thực hiện bình đẳng giới.
Là một bộ phận trong công tác dân vận của Ðảng nói chung, công tác dân vận đối
với phụ nữ DTTS nói riêng, đòi hỏi các cấp chính quyền cần đổi mới nhằm góp phần
nâng cao chất lượng công tác dân tộc, trên cơ sở thống nhất các quan điểm: Một
là, công tác vận động phụ nữ DTTS là một bộ phận của công tác vận động phụ nữ
nói chung; là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của tổ chức hội phụ nữ các cấp, cần
tập trung ưu tiên trong chỉ đạo, đầu tư nguồn lực; đặc biệt đối với cấp cơ sở.
Hai là, các cấp hội đóng vai trò nòng cốt, chủ động đề xuất tham mưu cấp ủy,
chính quyền; huy động sự tham gia của cộng đồng, xã hội kết hợp phát huy nội lực
trong công tác vận động phụ nữ DTTS. Ba là, tập trung đổi mới nội dung, phương
thức hoạt động theo hướng bám sát nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của các hội
viên phụ nữ, lựa chọn ưu tiên phù hợp; sử dụng phương pháp tiếp cận dựa trên đa
dạng văn hóa vùng, miền...
Ðể xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ hội làm công tác dân
tộc; cán bộ nữ DTTS cần phát huy năng lực, chủ động, tập trung nguồn lực cho
công tác vận động phụ nữ DTTS: Vận động cán bộ, hội viên phụ nữ DTTS tiếp cận và
thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương,
góp phần nâng cao chất lượng hoạt động hội; khuyến khích huy động nguồn nội lực
của từng địa bàn, từng nhóm đối tượng. Tập trung nguồn lực từ các chương trình,
mục tiêu của Ðảng, Nhà nước, đề án, dự án do hội quản lý hỗ trợ cho các địa bàn
có đông hội viên phụ nữ DTTS, ưu tiên các tỉnh vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam
Bộ, các xã biên giới. Hằng năm dành một phần hội phí (trong tỷ lệ trích nộp hội
phí từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố) để hỗ trợ cho công tác vận động các
hội viên phụ nữ DTTS ở địa bàn đặc biệt khó khăn... Xây dựng và triển khai
Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 trong
hệ thống Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp. Vận động nguồn lực quốc tế thông qua các
chương trình, dự án thực hiện tại các địa bàn DTTS; nguồn lực từ các doanh
nghiệp tại địa phương; ưu tiên cho các hoạt động nâng cao quyền năng kinh tế cho
phụ nữ, công tác phòng, chống mua bán phụ nữ và trẻ em, hôn nhân có yếu tố nước
ngoài, lao động di cư; tập huấn, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm phù hợp với
phụ nữ DTTS để nâng cao hiểu biết pháp luật, phát triển kinh tế - xã hội và
thoát nghèo bền vững.
Nguyễn Thị Tư Vụ trưởng Dân tộc Thiểu số - Ủy ban Dân tộc