Xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số

02:52 AM 28/08/2015 |   Lượt xem: 1647 |   In bài viết | 

Tại buổi làm việc, hai bên đã cùng nhau trao đổi và thảo luận về các vấn đề liên quan đến công tác xây dựng kế hoạch Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS nằm trong Chiến lược chung giai đoạn 2017 – 2021 giữa LHQ và Việt Nam như: việc xác định vai trò, giá trị cũng như các hỗ trợ của LHQ cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi khi bối cảnh hỗ trợ phát triển thay đổi; các cơ hội cho việc thay đổi phương thức thực hiện cũng như các cách làm việc để tạo điều kiện cho các hỗ trợ của LHQ đối với các chương trình, dự án dành cho đồng bào DTTS được linh hoạt và hiệu quả hơn; các cơ hội đối với những hình thức hợp tác và mô hình huy động vốn mới với Chính phủ và các đối tác khác cho hoạt động của LHQ tại vùng DTTS và miền núi; triển vọng đối với việc giảm chi phí giao dịch của LHQ và Chính phủ Việt Nam trong hỗ trợ phát triển của LHQ đối với Việt Nam…

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Sơn Phước Hoan đánh giá cao vai trò và tác động của các tổ chức thuộc LHQ đối với UBDT và vùng đồng bào DTTS. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời cả về kĩ thuật và tài chính của LHQ đã giúp đồng bào DTTS Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội ổn định, tình hình xóa đói giảm nghèo được cải thiện rõ rệt. UBDT cũng đã phối hợp với các tổ chức khảo sát, đánh giá và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, qua đó đã có nhiều mô hình thành công, đem lại lợi ích thiết thực cho đồng bào DTTS như: dự án hỗ trợ phát triển hạ tầng cơ sở, dự án cô đỡ thôn bản, dự án dạy song ngữ tiếng dân tộc… Thông qua các chương trình, dự án, đời sống của đồng bào ngày càng được cải thiện, năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở được nâng cao, góp phần phát triển vùng DTTS.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được giữa hai bên, Thứ trưởng mong muốn trong giai đoạn tới, LHQ sẽ tiếp tục có những động thái hỗ trợ và quan tâm hơn nữa đến vùng đồng bào DTTS, đối với những lĩnh vực liên quan đến DTTS; LHQ nên lấy UBDT làm trung tâm thực hiện, không nên thông qua các khâu trung gian, tránh phân tán nguồn lực.

Ngọc Ánh