Có kiến thức, có việc làm là tương lai của thoát nghèo bền vững

10:21 AM 04/10/2015 |   Lượt xem: 3905 |   In bài viết | 

Chia sẻ với PV Báo ĐBND bên lề phiên thảo luận của QH về tình hình kinh tế- xã hội, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương khẳng định: thời gian qua, tín dụng chính sách đã phát huy được hiệu quả đối với công cuộc giảm nghèo bền vững của đất nước. Riêng với Quảng Bình, trong 14 chương trình cho vay tín dụng ưu đãi thì chính sách cho sinh viên vay học tập là chính sách có tác động sâu rộng và có ý nghĩa xã hội sâu sắc.

PV: Tác động của tín dụng chính sách đối với công cuộc giảm nghèo bền vững của tỉnh Quảng Bình là trực tiếp, thiết thực, hiệu quả, thưa ông?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Chính sách tín dụng ưu đãi phục vụ công cuộc giảm nghèo của đất nước đã tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các huyện nghèo, bảo đảm đến năm 2020 ngang bằng các huyện khác trong khu vực. Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác tốt các thế mạnh của địa phương. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp với đặc điểm của từng huyện; chuyển đổi cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả theo quy hoạch; xây dựng xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng.

Chính sách tín dụng cho hộ nghèo trên địa bàn Quảng Bình là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là một trong những điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo. Đây cũng là chính sách xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội với các tổ chức đoàn thể và người nghèo, phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo với chính quyền cơ sở thông qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng…

PV: Ông có thể cho biết cụ thể hơn về các chương trình cho vay tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng tại Quảng Bình?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Quảng Bình hiện có 14 chương trình cho vay tín dụng ưu đãi, mỗi chương trình có một mục đích, đối tượng khác nhau, các chương trình ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đều có những tác động tích cực đến các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo cũng như các đối tượng chính sách. Đây là chính sách đầy nhân văn vừa cụ thể, vừa thiết thực tạo cơ hội cho đối tượng yếu thế trong xã hội vươn lên thoát nghèo và có đời sống ổn định.

Với chương trình cho vay phát triển kinh tế đã giúp cho nhiều hộ thoát nghèo, số còn lại có cuộc sống ổn định. Nhờ vay vốn nhận thức các hộ cũng có sự thay đổi về tư duy kinh tế, thay đổi nhận thức, có kỹ năng tiếp cận xã hội tốt hơn. Đặc biệt có niềm tin vào đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước.

Chính sách cho học sinh nghèo vay vốn đã giúp nhiều sinh viên thực hiện ước mơ hoài bão của mình, đây là nguồn lực quan trọng đặc biệt đối với vùng cao, vùng xa vùng khó khăn, yếu tố của thoát nghèo bền vững.

Chương trình vay vốn xây dựng nhà ở; nước sạch vệ sinh môi trường đã làm thay đổi điều kiện sinh hoạt, cuộc sống cho hộ nghèo, ngoài ra còn góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.

Chương trình vay vốn xuất khẩu lao động đã làm tăng thu nhập cho cá nhân, gia đình. Ngoài ra, xuất khẩu lao động còn làm cho hộ nghèo mở rộng nhận thức, giao lưu tiếp nhận văn minh nhân loại, khoa học công nghệ thế giới về phục vụ cho quôc gia.

Trong các chương trình cho vay thì chính sách cho sinh viên vay học tập là chính sách có tác động sâu rộng và có ý nghĩa xã hội sâu sắc nhất. Chính sách này phù hợp với quan điểm của Đảng về đào tạo nguồn nhân lực. Nhưng mặt khác có kiến thức, có việc làm là tương lai của thoát nghèo bền vững.

PV: Không chỉ có thuận lợi, công tác tín dụng tại Quảng Bình còn gặp những khó khăn gì, thưa ông ?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Khó khăn lớn nhất hiện nay là nhu cầu vay vốn lớn nhưng khả năng đáp ứng chưa đủ. Mức tối đa 50 triệu nhưng thực tế chỉ cho vay khoảng 30 triệu. Nhu cầu hộ dân vay dài hạn nhưng hiện nay ngân hàng chưa đáp ứng do thiếu nguồn vốn và ngân hàng muốn quay vòng luân chuyển nhanh hơn hỗ trợ đến nhiều đối tượng vay nhiều hơn.

Hạn mức cho vay tín dụng còn thấp, lãi suất và thời gian cho vay, hạn mức tối đa cho vay chưa linh hoạt để tạo điều kiện cho hộ gia đình chủ động thực hiện các giải pháp sinh kế thoát nghèo phù hợp, chủ yếu dựa vào định mức của từng chương trình tín dụng. Trên thực tế hạn mức hiện nay chưa phù hợp đối với một số ngành nghề sản xuất và một số vùng trồng cây công nghiệp. Tỉ lệ hộ nghèo được vay vốn ở mức tối đa không nhiều (khoảng 10%), một số chương trình tín dụng chưa lồng ghép mục đích với hạn mức tín dụng cho vay.

Việc cho vay sản xuất, kinh doanh chưa gắn kết tốt với việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hướng dẫn cách thức sản xuất, kinh doanh, chưa kết nối sản xuất với thị trường hàng hóa và một bộ phận người nghèo sử dụng vốn vay chưa đúng mục đích đã hạn chế hiệu quả của vốn vay.

Chưa có tiêu chí cụ thể đánh giá hiệu quả của chính sách tín dụng cho vay giải quyết việc làm nên chưa khẳng định được hiệu quả giữa việc cho vay gắn với tạo việc làm ổn định cho người nghèo; một bộ phận người nghèo vay đi xuất khẩu lao động nhưng do gặp rủi ro phải về nước trước thời hạn nên gặp khó khăn, không có khả năng trả nợ.

Thực tế tại nhiều địa phương quy trình từ vay vốn đến tập huấn giới thiệu chính sách, hướng dẫn đào tạo nghề, cũng như bao tiêu sản phẩm chưa đồng bộ, thiếu thường xuyên. Hộ nghèo chủ yếu đơn phương tự lập vươn lên vì thế thiếu tính vững chắc nên dễ bị tái nghèo.

PV: Theo ông đâu là giải pháp tháo gỡ khó khăn hiện nay?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Để giải quyết được việc này đề nghị QH, Chính phủ tăng nguồn vốn cho vay hộ nghèo cho ngân hàng Chính sách xã hội và có chính sách cụ thể, hiệu quả hơn trong các giải pháp tư vấn, trợ giúp vay vốn, giải quyết việc làm.

Bên cạnh đó, để nguồn cho vay được phát huy và mang lại hiệu quả đối với hộ nghèo, đối tượng chính sách, việc đầu tiên đó là cần có sự phối hợp chung tay góp sức trong việc xác định chính xác hộ nghèo, đào tạo dạy nghề, tư vấn định hướng nghề nghiệp, xác định mục đích, tính toán hiệu quả. Các tổ chức Mặt trận, đoàn thể chính trị xã hội, các sở ngành cần vào cuộc, tổ chức lại sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp bao tiêu sản phẩm cho các hộ vay, tạo niềm tin, kích thích các đối tượng vay trong sử dụng nguồn vốn vay.

PV: Xin cám ơn ông!

Văn Thăng (daibieunhandan.vn)