Đổi mới công tác thi đua khen thưởng để tạo động lực phát triển
10:45 AM 03/10/2015 | Lượt xem: 6189 In bài viết |Hướng tới Hội nghị điển hình tiên tiến hệ thống cơ quan công tác dân tộc giai đoạn 2011 - 2015, đồng chí Hà Hùng - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã chia sẻ với Tạp chí Dân tộc và Cổng Thông tin Điện tử UBDT về kết quả đạt được cùng những bài học kinh nghiệm qua công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước.
Hướng tới Hội nghị điển hình tiên tiến hệ thống cơ quan công tác dân tộc giai đoạn 2011 - 2015, đồng chí Hà Hùng - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã chia sẻ với Tạp chí Dân tộc và Cổng Thông tin Điện tử UBDT về kết quả đạt được cùng những bài học kinh nghiệm qua công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm (TT, PCN) đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Tạp chí Dân tộc và Cổng Thông tin điện tử. Câu hỏi đầu tiên, đề nghị Thứ trưởng cho biết một số phong trào thi đua nổi bật giai đoạn 2011 - 2015 của hệ thống cơ quan công tác dân tộc?
TT, PCN Hà Hùng: Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, 5 năm qua, Ban Cán sự Đảng Ủy ban Dân tộc đã quan tâm chỉ đạo, triển khai các phong trào thi đua sâu, rộng, có chủ đề, mục tiêu, tiêu chí rõ ràng, cụ thể. Hằng năm, ngành đều phát động các phong trào thi đua thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị, địa phương được cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đồng tình hưởng ứng, tạo đồng thuận cao trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Các phong trào thi đua được gắn với các nội dung: “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới”, chào mừng các ngày lễ lớn 30/4, 1/5, 19/5, 11/6, 2/9, ngày Truyền thống cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc (3/5),.... Căn cứ tình hình thực tiễn của đất nước, của ngành, các phong trào thi đua được gắn mật thiết với các cuộc vận động: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, "Xây dựng cơ quan không khói thuốc lá", cải thiện môi trường, điều kiện làm việc và các phong trào: xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động "Trung thành, tận tụy, gương mẫu, sáng tạo, giỏi chuyên môn"; "Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xây dựng văn minh công sở"; "Hướng về biển đảo quê hương", “Vì Trường Sa thân yêu”; "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"...
PV: Các phong trào thi đua đó có tác động như thế nào đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của hệ thống cơ quan công tác dân tộc, thưa TT, PCN?
TT, PCN Hà Hùng: Đúng vậy! Hưởng ứng các phong trào thi đua, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã hăng hái nhiệt tình, không ngừng rèn luyện nâng cao trình độ công tác, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Uỷ ban Dân tộc do Đảng và Nhà nước giao và đạt được những kết quả công tác chủ yếu, đó là: kịp thời cụ thể hóa chương trình công tác, nghị quyết của Chính phủ, quyết định và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ bằng kế hoạch, chương trình hành động trong toàn ngành để chỉ đạo, điều hành công tác dân tộc; phối hợp với 7 Bộ tổ chức rà soát, đánh giá, kiến nghị chính sách đối với vùng dân tộc, miền núi; tham mưu Thủ tướng Chính phủ tổ chức thành công 03 hội nghị toàn quốc liên quan đến công tác dân tộc; triển khai có hiệu quả kế hoạch, biện pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực công tác dân tộc sau kiểm điểm phê bình và tự phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).
Triển khai xây dựng 24 đề án, chính sách, trong đó có 11 đề án đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Một số đề án, chính sách có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi: Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về Công tác dân tộc; Chiến lược Công tác dân tộc (Quyết định số 449/QĐ-TTg; Chương trình 135 (Quyết định số 551/QĐ-TTg)…
Quản lý, chỉ đạo quyết liệt thực hiện 12 chương trình, dự án, chính sách dân tộc. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong việc xây dựng, ban hành 8 thông tư, hàng trăm văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách và chỉ đạo điều hành; phân bổ kế hoạch vốn; tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện các chính sách; tổ chức sơ kết, tổng kết các chính sách. Nhìn chung, các chính sách, chương trình, dự án do Ủy ban Dân tộc quản lý được thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng, hạn chế thất thoát.
Bám sát nhiệm vụ chính trị, đã chỉ đạo các báo, tạp chí thực hiện Quyết định 2472/QĐ-TTg đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về công tác dân tộc với các nước, nhất là các nước trong khu vực: Lào, Trung Quốc, Thái Lan, Myanma; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học liên quan đến lĩnh vực dân tộc; tiếp tục thực hiện có hiệu quả và ký kết mới chương trình phối hợp với 17 Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị giai đoạn 2011–2020.
Kiện toàn tổ chức, bộ máy theo Nghị định 84/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Việc bỏ cơ chế Ủy ban bao gồm các thành viên kiêm nhiệm nên công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban Dân tộc đã theo cơ chế của một Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; kết quả kiện toàn bộ máy (thêm 4 tổ chức mới) và bổ nhiệm, luân chuyển sắp xếp hàng chục cán bộ lãnh đạo cấp Vụ đã tăng cường rõ rệt năng lực, hiệu quả hoạt động của Ủy ban Dân tộc. Việc ban hành kế hoạch cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, nâng cấp Trang Tin điện tử thành Cổng Thông tin điện tử, ban hành quy chế sử dụng công nghệ thông tin vào một số hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản lý của Ủy ban Dân tộc, thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo… đã góp phần tạo sự đổi mới, tiến bộ rõ rệt cho công tác dân tộc.
Công tác quy hoạch, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ của cơ quan Uỷ ban Dân tộc và hệ thống cơ quan dân tộc địa phương được chú trọng cả về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ. Thông qua các hình thức đào tạo, các hoạt động của cơ quan công tác dân tộc ngày càng chất lượng, các lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế về lĩnh vực công tác dân tộc hoạt động ngày càng có hiệu quả.
Các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh quan tâm. Hầu hết các địa phương vùng dân tộc, miền núi đã ban hành các nghị quyết chuyên đề; quyết định phê duyệt chương trình hành động, kế hoạch cụ thể của tỉnh về công tác dân tộc; ưu tiên bố trí thêm nguồn lực từ ngân sách địa phương để thực hiện chính sách dân tộc đặc thù, phù hợp với thực tế của địa phương; tăng cường cán bộ thực hiện chính sách dân tộc, phân công giao trách nhiệm từng sở, ban, ngành, cán bộ giúp đỡ xã nghèo, hộ nghèo. Nhờ đó, nhiều địa phương có tỷ lệ giảm nghèo nhanh hơn bình quân chung cả nước; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ổn định và từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc, miền núi còn khoảng 24 - 26%, mỗi năm, giảm trên 2%, riêng các huyện nghèo giảm trên 4%; kết cấu hạ tầng tiếp tục được tăng cường; công tác giáo dục, y tế có nhiều tiến bộ; giá trị văn hóa dân tộc được quan tâm bảo tồn và phát huy; công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong vùng DT&MN có chuyển biến tích cực; hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố và ngày càng phát triển; trật tự an toàn xã hội, an ninh, quốc phòng được giữ vững.
PV: Thi đua và khen thưởng luôn song hành cùng nhau. Vậy với những thành tích đã đạt được qua các phong trào thi đua, đề nghị TT, PCN cho biết công tác khen thưởng đã được thực thi như thế nào?
TT, PCN Hà Hùng: Với những thành tích xuất sắc đã đạt được, từ năm 2011 đến nay, Ủy ban Dân tộc và các Vụ, đơn vị, Ban Dân tộc các tỉnh, thành đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, Huân chương Lao động các hạng Nhất, Nhì, Ba tặng thưởng cho 377 tập thể và 49 cá nhân; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 213 tập thể và 359 cá nhân; danh hiệu Chiến sỹ Thi đua Toàn quốc cho 04 cá nhân.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã tặng danh hiệu Lao động tiên tiến cho 887 cá nhân; Chiến sĩ thi đua cơ sở 364 cá nhân; Chiến sĩ thi đua cấp Bộ 89 cá nhân; danh hiệu Tập thể Lao động tiên tiến cho 23 đơn vị; Tập thể lao động xuất sắc 37 đơn vị; tặng Cờ thi đua của UBDT cho 32 đơn vị thuộc UBDT và 78 Ban Dân tộc tỉnh; tặng Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT cho 222 đơn vị, 797 cá nhân; tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc” cho 3.851 cá nhân (trong đó: Các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban 102 cá nhân; Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương 1.024 cá nhân; Ban Dân tộc các tỉnh 2.725 cá nhân). Khen thưởng chuyên đề, đột xuất cho 51 tập thể; 175 cá nhân. Tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp tỉnh, huyện lần thứ II năm 2014, UBND tỉnh, thành phố tặng Bằng khen cho 1.006 tập thể, 3.300 cá nhân; UBND huyện tặng Giấy khen cho 3.847 tập thể, 17.137 cá nhân.
Chúng ta có quyền tự hào và khẳng định những thành tích từ Phong trào thi đua yêu nước trong hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc đã góp phần đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội, tạo nền tảng vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa vùng dân tộc, miền núi.
PV: Từ thực tiễn chỉ đạo, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua trong 5 năm qua, có thể rút ra các bài học kinh nghiệm gì, thưa TT, PCN?
TT, PCN Hà Hùng: Qua các phong trào thi đua yêu nước của hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc trong giai đoạn 2011 -2015, có thể rút ra 5 bài học sau:
Một là, công tác thi đua, khen thưởng phải được sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; nâng cao vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu đơn vị và người cán bộ trực tiếp làm công tác thi đua, khen thưởng trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua.
Hai là, nội dung, mục tiêu phong trào thi đua phải được cụ thể hóa, phù hợp với thực tế; coi trọng việc tổ chức đăng ký thi đua, sơ kết, tổng kết, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; tăng cường hoạt động của các khối thi đua, cụm thi đua. Tiếp tục công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng những điển hình tiên tiến.
Ba là, duy trì thường xuyên phong trào thi đua như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “Thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hằng ngày”. Công tác thi đua, khen thưởng đòi hỏi phải nghiên cứu cả một quá trình để đúc kết, do đó tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng nhất thiết phải ổn định để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng không ngừng được đào tạo, bồi dưỡng, trang bị kiến thức để nâng cao năng lực tham mưu, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới về công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới.
Bốn là, phong trào thi đua phải có sơ kết, tổng kết và phổ biến kinh nghiệm, xây dựng và nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua; thẩm định thành tích, xét chọn các đơn vị, tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua để đề nghị khen thưởng theo quy định. Phải gắn kết và thực hiện nghiêm túc giữa định hướng phong trào thi đua và biện pháp thi đua cụ thể, phong trào thi đua phải toàn diện, sâu rộng; tránh tình trạng chạy theo hình thức. Mục tiêu thi đua phải thực sự trở thành động lực thúc đẩy mọi cá nhân và tập thể tích cực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn được giao, nhiệt tình với các hoạt động chung của đơn vị và của xã hội.
Năm là, thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng; quan tâm bảo đảm các điều kiện hoạt động; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác thi đua, khen thưởng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn TT, PCN !
Quang Hải - Phương Liên (UBDT)