Quốc hội thảo luận về dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi)
12:16 PM 05/10/2015 | Lượt xem: 4018 In bài viết |Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, sáng 17/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).
Thảo luận tại hội trường về dự thảo Bộ luật, nhiều ý kiến tán thành quy định của dự thảo và cho rằng đây là công cụ pháp lý sắc bén để đấu tranh hữu hiệu với mọi loại tội phạm, tháo gỡ được những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã được Hiến định…Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng cho ý kiến về một số vấn đề quy định trong dự thảo Bộ luật như: Quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội (quyền im lặng); quyền của bị can, bị cáo đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án; việc mở rộng các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra...
Cụ thể, về quyền im lặng, nhiều đại biểu cho rằng việc quy định người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền “tự do” trình bày lời khai… là quá rộng, có thể gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án; đề nghị quy định theo hướng “người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, đưa ra ý kiến”.
Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng, xuất phát từ quyền tự nhiên của con người, một người là thủ phạm nhưng có thể có hàng chục người bị tình nghi và bị tình nghi chưa phải là có tội. Luật cần đảm bảo quyền này cho những người bị tình nghi khi bản thân họ tự thấy chưa đủ điều kiện về nhiều mặt như kiến thức pháp luật, về thể chất, tinh thần; họ cần thời gian để bình tĩnh suy nghĩ cân nhắc, cần có người trợ giúp về mặt pháp lý để tránh tình trạng tự đưa mình vào tình thế bất lợi, tự buộc tội chính mình.
Đại biểu lý giải, thực tế cho thấy, lần đầu bị công an triệu tập, nhiều người mất bình tĩnh, thậm chí hoảng loạn, nhất là người ít hiểu biết pháp luật, vị thành niên, người dân tộc thiểu số, có những trường hợp đã tự sát tại nơi lấy lời khai hoặc nơi giam giữ. Trường hợp anh Hoàng Văn Ngài, người dân tộc H’Mông, tự sát năm 2013, tại Công an Gia Nghĩa - Đăk Nông sau 02 ngày bị triệu tập lên làm việc là một ví dụ.
Đây là một phương thức tự bảo vệ đơn sơ nhất, nhưng khả thi nhất cho người dân dù ở trình độ nhận thức pháp luật thấp nhất trước sự đối diện với cán bộ điều tra được đào tạo bài bản về thủ pháp điều tra, dày dạn nghiệp vụ thẩm vấn.
Cũng theo đại biểu, quy định như dự thảo là minh bạch hơn so với hiện hành, vừa giúp cho bị can, bị cáo thấy rõ quyền của mình, người tiến hành tố tụng thấy rõ nghĩa vụ và giúp Nhà nước chống oan, sai. Đây cũng là tiền đề rất quan trọng để thực hiện nguyên tắc “trách nhiệm chứng minh”, “suy đoán vô tội”, “đảm bảo quyền bào chữa”.
Đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Định) cho rằng, quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc đưa ra lời khai chống lại mình, buộc phải nhận mình có tội đã thể hiện đầy đủ quyền có thể khai báo hoặc không khai báo và không buộc phải đưa ra các lời khai tự nhận tội thuộc về mình. Tuy nhiên, đại biểu Vũ Xuân Trường đề nghị, trong quá trình thực hiện cần khuyến khích nếu bị can, bị cáo khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải thì cũng được xem xét coi là tình tiết giảm nhẹ. Đại biểu cho rằng như vậy vừa tránh được ép cung, nhục hình, mớm cung nhưng đặc biệt là tránh được việc hiểu về quyền im lặng dễ bị lạm dụng như những ý kiến lo ngại đã từng nêu ra tại phiên thảo luận tại tổ.
Quy định bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, đa số ý kiến tán thành quy định của dự thảo Bộ luật về việc bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, bảo đảm tính khách quan, hạn chế bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể trường hợp nào thì ghi âm, trường hợp nào thì ghi hình; quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục ghi âm hoặc ghi hình để bảo đảm giá trị là nguồn chứng cứ; quy định rõ tài liệu ghi âm, ghi hình được sử dụng làm chứng cứ để chứng minh vụ án chứ không chỉ được sử dụng trong trường hợp cần thiết, đồng thời bổ sung quy định về việc bảo quản tài liệu ghi âm, ghi hình.
Đồng tình quan điểm trên, đại biểu Lê Thị Nga cho rằng, khi hỏi cung phải ghi âm và ghi hình. Quy định này nhằm đảm bảo minh bạch quá trình hỏi cung, ghi nhận khách quan về nghiệp vụ của điều tra viên, kiểm sát viên, luật sư; là bằng chứng khách quan để bảo vệ điều tra viên bị nghi can vu cáo cho là bức cung nhục hình.
Đại biểu cũng cho biết, đến nay, ý kiến chính thức của Bộ Công an, Viện Kiểm sát, Toà án tối cáo đã thống nhất với quan điểm này; Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra cơ bản đồng tình.
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho biết: Đây là quy định mang tính tiến bộ, thể hiện việc khi hỏi cung sẽ có sự công khai, minh bạch và có sự giám sát. Qua đó sẽ khắc phục được việc bức cung, nhục hình.
Tuy nhiên, cũng theo đại biểu, nhiều ý kiến còn băn khoăn về nguồn kinh phí để trang bị các thiết bị ghi âm, ghi hình cho tất cả các cuộc hỏi cung. Bởi vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Bộ luật có sự khảo sát để giải trình trước Quốc hội về nguồn kinh phí phải trang bị cho việc ghi âm ghi hình, nhằm giải quyết băn khoăn của nhiều nội dung này.
Về việc mở rộng các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, một số ý kiến tán thành với dự thảo bộ luật về việc mở rộng diện các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đối với Kiểm ngư, Thuế, Ủy ban chứng khoán nhà nước vì đây là những lĩnh vực chuyên môn, đặc thù, đòi hỏi cán bộ điều tra phải am hiểu sâu sắc kiến thức chuyên ngành.
Về vấn đề này, đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) tỏ ra chưa đồng tình. Đại biểu cho rằng, việc mở rộng các cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra gồm Kiểm ngư, Thuế, Ủy ban chứng khoán… như dự thảo nêu là không cần thiết bởi các cơ quan này cần phối hợp thực hiện hoạt động theo yêu cầu của cơ quan điều tra thuộc lĩnh vực liên quan. Do vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo giữ nguyên quy định hiện hành, chỉ bổ sung Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao để đáp ứng yêu cầu đấu tranh xử lý loại tội phạm này trong tình hình hiện nay.
Bích Liên (CPV)