Ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi

11:53 AM 05/10/2015 |   Lượt xem: 2458 |   In bài viết | 

Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi của Bộ Khoa học và Công nghệ tại huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) triển khai từ năm 2001, đến nay đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động; từng bước hình thành thị trường ở nông thôn, miền núi.

Mười lăm năm qua, Bộ Khoa học và công nghệ đã hỗ trợ thành phố thực hiện 13 dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi với tổng kinh phí gần 39 tỷ đồng. Từ nguồn vốn hỗ trợ này, đã mở ra nhiều nghề sản xuất mới tại địa phương như: trồng nấm, nuôi thỏ, nuôi dê thâm canh, trồng hoa lan Mokara cắt cành...

Tháng 5/2013, mô hình nuôi thỏ Niu-di-lân được triển khai ở 4 hộ tại huyện Hòa Vang, với tổng số 200 con. Qua đánh giá thực tế cho thấy, giống thỏ ngoại này rất dễ nuôi, không kén thức ăn, chủ yếu là rau cỏ, lá cây; có tỷ lệ sống caotrên 90%; đàn thỏ khỏe mạnh, phát triển tốt, đạt trọng lượng từ 3 - 4 kg/con. Số thỏ trên đã cho phối giống đạt kết quả tốt, trung bình thỏ sinh sản đạt 9 - 10 con/lứa. Với giá thị trường thỏ thịt hiện nay là 80.000 - 100.000 đồng/con, theo đánh giá của các chuyên gia, mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nuôi và hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện Hòa Vang.

Gia đình anh Lê Văn Vinh, trú tại thôn 5, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang là một trong 4 hộ được hỗ trợ thỏ giống từ dự án cho biết: Năm 2013, chương trình nông thôn và miền núi đã hỗ trợ gia đình 50 con thỏ giống, gia đình anh đã vay mượn thêm để mua thỏ giống và xây dựng trang trại. Nhờ sự hướng dẫn chăm sóc đúng kỹ thuật của cán bộ phòng nông nghiệp huyện Hòa Vang, đến nay gia đình anh đã có gần 100 con thỏ nái, mỗi tháng gia đình anh xuất từ 80 - 100 kg thỏ thịt ra thị trường, trừ chi phí anh thu về từ 5 - 8 triệu đồng tiền lãi. Hiện nay, đầu ra cho thỏ thịt khá thuận lợi, thị trường tiêu thụ mạnh. Gia đình anh chủ yếu cung cấp thỏ thịt cho các thương lái mua gom cho các nhà hàng, khách sạn có nhu cầu. Thỏ giống anh bán cho các chủ trang trại, các hộ nông dân trong và ngoài địa phương. Thời gian tới, anh Vinh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trang trại, nhân rộng mô hình nuôi thỏ Niu-di-lân trên địa bàn xã.

Mô hình trồng hoa lan Mokara cắt cành của gia đình anh Nguyễn Xuân Hùng, thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế và là niềm mơ ước của những người trồng hoa, với thu nhập 40 triệu đồng/tháng từ 4.000 gốc lan Mokara cắt cành.

Để đạt được thành công trên là nhờ sự tìm tòi, học hỏi, dám nghĩ dám làm, biết ứng dụng các kỹ thuật khoa học công nghệ vào sản xuất của anh Hùng. Năm 2011, anh đã mạnh dạn đầu tư gần 500 triệu đồng để trồng 4.000 cây hoa Mokara cắt cành trong khuôn viên 400m2 tại vườn nhà. Anh Hùng cho biết, trồng hoa lan Mokara cắt cành công đoạn đầu tư nhà lưới và chăm sóc khá công phu, hoa phải làm giàn lưới che, thoáng mát và có hệ thống phun sương, các công đoạn chăm sóc lan đòi hỏi sự kiên trì và tuân thủ đúng các kỹ thuật chăm sóc, vì thế ngay lứa hoa đầu tiên anh đã thu lãi được 40 triệu đồng.

Từ thành công bước đầu của anh, huyện Hòa Vang đã nhân rộng mô hình bằng cách hỗ trợ anh Hùng phát triển quy mô lớn hơn và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất hoa tươi. Hiện, anh đã xây dựng thêm 1 nhà sản xuất hoa lan Mokara cắt cành trên diện tích hơn 1.000m2, với 6.000 gốc, tổng kinh phí xây dựng gần 2 tỷ đồng; trong đó, thành phố hỗ trợ 300 triệu đồng. Hiện 6.000 gốc hoa đang sinh trưởng và phát triển tốt, khoảng giữa năm 2016 sẽ cho thu hoạch, ước tính trừ chi phí 10.000 gốc hoa Mokara cắt cành của anh Hùng sẽ cho thu nhập 100 triệu đồng/tháng.

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang cho biết: Chương trình hỗ trợ ứng dựng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi của Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ thành phố Đà Nẵng thực sự đem lại hiệu quả tại địa phương. Nhiều mô hình như trồng hoa lan Mokara cắt cành, mô hình trồng nấm, mô hình nuôi dê thâm canh... đã trở thành những nghề mới, hướng đi mới của huyện giúp giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Huyện Hòa Vang đang hướng tới phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các mô hình này còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún theo hộ gia đình, đầu ra một số sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, trong thời gian tới huyện cần quy hoạch lại các mô hình sản xuất theo mô hình các hợp tác xã, tiếp thu các ứng dụng khoa học kỹ thuật để nhân rộng các mô hình để ngành nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng bền vững. Ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, UBND huyện xác định mục tiêu đến năm 2020, xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hướng tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Do vậy, trong thời gian tới huyện sẽ rà soát nhân rộng các mô hình này tại các vùng trồng lúa, trồng rau kém hiệu quả. Đồng thời, kiến nghị Bộ Khoa học và công nghệ, UBND thành phố Đà Nẵng tiếp tục hỗ trợ huyện tiếp nhận, chuyển giao các công nghệ tiên tiến, hiện đại trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, thủy sản, vật nuôi, đa dạng hóa sản phẩm nhất là các đối tượng có hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân...

Đinh Văn Nhiều (TTXVN)