Chợ vùng cao Mù Cang Chải - nơi giao lưu văn hóa cộng đồng

02:25 AM 13/10/2010 |   Lượt xem: 2743 |   In bài viết | 
Sau một đêm mưa, không khí trở nên trong lành và mát mẻ. Sớm tinh mơ, Lý A Hải cùng vợ đã vội ra hiên nhà, buộc những cây măng ớt lại thành từng bó nhỏ cho vào gùi. Do lam lũ nên đã 20 tuổi nhưng nhìn A Hải chỉ nhỉnh hơn học sinh lớp 10 ở phố huyện một chút, nhưng cái chân đi thì nhanh lắm. Chỉ vào đống măng ớt, Hải tươi cười bảo: “Để bẻ được ngần này măng, hai vợ chồng đã phải đi bộ khoảng 3 tiếng đồng hồ vào rừng sâu để lấy. Măng ớt ở đây chỉ có vào khoảng giữa tháng Tám âm lịch, mùa này là mùa sinh trưởng của cây măng, nhưng nếu để lâu hơn một chút là măng sẽ già, không ăn được”.

Măng ớt là đặc sản của vùng cao này, họ muối chua với ớt ăn quanh năm. Hôm nay là ngày chủ nhật, Lý A Hải cùng vợ phải đi cho kịp buổi chợ, đôi chân cần mẫn đạp lên cỏ, lên đá, lên sương sớm để xuống núi, cứ đi như sợ lỗi hẹn với mọi người.

Nằm ở độ cao, khoảng 1.400 mét so với mực nước biển, nhiệt độ ở đây luôn ổn định, cái nắng, cái gió của Mù Cang Chải không gay gắt, khó chịu như dưới xuôi. Rất nhiều du khách lên đây phải công nhận Mù Cang Chải không khác Sa Pa của tỉnh Lào Cai là mấy. Chăn bông là thứ bán rất đắt hàng vì ở đây người dân quanh năm dùng. Mới chưa đến 7 giờ, những dòng người từ các xã đã ùn ùn kéo về chợ ngã ba Kim. Men theo những lối mòn nhỏ nay đã thành đường, hoà trong sắc xanh của ngô, của núi đồi, nổi bật lên màu sắc rực rỡ của trang phục đồng bào các dân tộc, các cô gái Mông trong trang phục truyền thống tay cầm ô, lưng đeo gùi sơn tra xuống chợ. Nắng sớm vương trên những khuôn mặt đã lấm chấm mồ hôi, nhưng trên ai cũng lộ vẻ hân hoan, háo hức.

Tại chợ cái gì cũng có nhưng đều do người nơi khác mang đến. Anh Lý A Qua, ở huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) về bán hàng tại chợ ngã ba Kim này được hơn 5 năm cho biết: “Hàng hóa về được đây là cả một chặng đường dài, cước phí vận chuyển rất lớn, kéo theo giá cả tăng”. Hàng thổ cẩm được bày bán ngay bên lề đường, người mua tha hồ xem, kể cả bới tung lên mà chọn, nếu khách không ưng, không mua cũng chẳng sao, chị Hờ Thị Nhứ bán thổ cẩm vẫn tươi cười. Thậm chí nếu khách muốn biết quy trình làm nên tấm thổ cẩm đó ra sao, chị cũng sẵn lòng kể cho nghe.

Chợ trung tâm huyện Mù Cang Chải được chia thành nhiều khu, đầu cổng chợ chính, người ta bày bán đủ các loại rau như: bầu, bí, cải, cà chua, đậu tương… được xếp ngay ngắn trên những chiếc sạp bằng tre, gỗ. Những bó rau xanh to tướng có lẽ phải bằng ba bốn bó dưới xuôi nằm đợi người mua. Đi vào cổng chợ chính là nơi bán các nhu yếu phẩm cần thiết cho đời sống thường nhật, từ cái kim, sợi chỉ, lít dầu, cân muối, mỡ, vải vóc đều tập trung tại đây, những mặt hàng như: dép nhựa, đèn pin, ô che nắng, quần áo... hàng không được tinh xảo nhưng chúng rất rẻ tiền và phù hợp với người vùng cao. Phía giáp với bến xe huyện, người dân khắp nơi về bán nông sản như: sơn tra, măng ớt, rau cải, con gà, con vịt của gia đình. Cuối chợ là dãy hàng ăn, nơi những nồi nước dùng to tướng bốc hơi nghi ngút.

Lý A Hải sau khi bán được hơn 100 bó măng vội vã đi tới mấy quán ăn nơi góc chợ. Nơi đây các bạn của Hải đang ngồi. Thế là rượu rót đầy ly, chúc nhau uống đến mềm môi. Đàn ông Mông có cái hay trong sự uống rượu là mời nhau phải cạn chén, mời đi, mời lại, khi nào ngà ngà mới thôi. Khi mặt trời đứng bóng, mọi người hối hả ra về. Đâu đó trên những con đường về bản, những cô vợ ngồi đợi đôi tay mải miết thêu. Thi thoảng bên vệ đường cũng có chàng quá chén đang đánh một giấc say sưa, ngon lành...



Quang Thiều (Nguồn: Báo Yên Bái)