Trang sức của dân tộc Mông (H’mông)

10:54 AM 13/10/2010 |   Lượt xem: 5340 |   In bài viết | 

Đi đôi với chức năng thẩm mỹ, trang sức luôn thể hiện sự giàu sang của chủ nhân đeo nó. Không chỉ thế, đôi khi trang sức còn là một thứ vũ khí phòng thân rất hiệu quả. Đối với người Mông, trang sức cổ truyền thường là bạc trắng, có tác dụng ngăn chặn tà ma, gió độc. Đến nay người ta đã sử dụng các hợp kim nhôm để hạ giá thành của đồ trang sức nên người phụ nữ Mông nào cũng lỉnh kỉnh những vòng cổ, xà tích, nhẫn và khuyên tai. Khuyên tai "khu chê" của phụ nữ Mông khá to. Chu vi khoảng 12 đến 15 cm, tiết diện dẹt. Hình dáng khuyên tai gồm 5 dạng chính: Hình giống dấu hỏi, hình xoắn ốc, hình trăng lưỡi liềm, hình tròn khắc hoa văn, hình tròn đính các tiểu tiết. Trên bề mặt đồ trang sức người ta hay trạm trổ những hình chim mỏ dài, hoa 5 cánh, các dạng hình học khác. Những tiểu tiết đính kèm thường là hình hoa bí, các loại công cụ sản xuất như hình con dao phát, dao quắm...

Trong một số chuyện cổ của đồng bào Mông, người phụ nữ đeo những khuyên tai to là những người khỏe mạnh, chăm chỉ làm ăn. Vì lẽ đó cô gái nào khi đi hội cũng muốn đeo "khu chê" thật vĩ đại. Thậm chí có nơi như Than uyên - Lào Cai, người ta còn đeo kép hai đôi khuyên tai. Người Mông vùng Bắc Hà có loại khuyên tai hình lưỡi liềm, một đầu đeo ở tai, đầu kia móc lên khăn ở phía sau đỉnh đầu rất đặc biệt.

Vòng cổ là thứ đồ trang sức mà cả phụ nữ và nam giới Mông đều ưa thích. Có người chỉ có một chiếc, song cũng có nhiều người đeo từ 3 đến 5 chiếc. Vòng cổ có chu vi từ 45 đến 55 cm. Vòng không khép kín hoàn toàn mà để hở một khoảng nhỏ để dễ kéo căng lách qua cổ. Vòng cổ của người Mông có hai loại chính: loại có chức năng trang sức và loại có chức năng biểu tượng chống ma tà. Loại có chức năng trang sức phổ biến nhất là dạng có hai đầu chim mỏ dài, được khắc họa rõ nhất chiếc mỏ và đôi mắt. Tiếp đến là dạng có tiết diện rộng, có khắc vạch các hình tam giác, thân vòng có đeo thêm 6 tua bạc hình hoa bí gắn các dây toòng teng. Cuối cùng là dạng cuộn dây có 3 sợi bạc cuốn chặt. Loại chức năng bảo mệnh được coi như cái khóa để ngăn cản ma tà xâm nhập vào cơ thể thường có gắn các dây xích dài hoặc tua toòng teng gồm nhiều chiếc chìa khóa gắn với nhau. Một số sự tích kể về chiếc chìa khóa như một dấu hiệu để nhớ về thời người Mông còn là nô lệ cho người Hán, nhưng một số lại cho rằng đó là bảo bối giữ linh hồn không bị tà ma quấy quả. Trai gái người Mông đều thích đeo nhẫn ở ngón trỏ tay trái. Có hai loại nhẫn: loại tiết diện tròn và loại tiết diện dẹt. Ai đeo nhẫn tiết diện tròn là người chưa vợ, chưa chồng, người đã có vợ (chồng) thường đeo hai nhẫn trên một ngón tay. Dạng nhẫn tiết diện dẹt cũng có hai kiểu khác nhau để phân biệt của nam và nữ. Một kiểu nhẫn dẹt có hai mặt là miếng bạc hình thoi ôm lấy ngón tay dài khoảng 2 đến 4 cm, trên mặt có trạm khắc hoa lá, mặt nhẫn của phụ nữ thường có khắc hình con ốc. Ngày thường phụ nữ Mông đeo hai chiếc vòng tay tròn nhưng vào ngày hội họ đeo thêm một chiếc nhẫn nữa có tiết diện dẹt. Các họa tiết trên vòng tay cũng là những mô típ văn hoa mà họ vẫn thường sử dụng. Ngoài vòng tay, vòng cổ, nhẫn, các cô gái còn đeo một bộ xà tích bên hông. Bộ xà tích gồm một con dao, tăm bạc, nhíp bạc…một số phụ nữ còn có trâm cài đầu bằng bạc trang trí những họa tiết tương tự như văn hoa trên trống đồng Đông Sơn. Đầu thế kỷ thứ XX, một số gia đình giàu có còn ép những bát bạc trên vành khăn (4 đến 6 bát). Các bát bạc cũng trạm khắc tương tự như trên trâm cài đầu và các đồ trang sức khác.
 

(Nguồn: Theo TGTW Điện tử) [TT: H.T.N]