Sene Dolta-lễ báo hiếu của người Khmer

04:04 AM 03/11/2010 |   Lượt xem: 2992 |   In bài viết | 
Người Khmer quan niệm: “Kiếp này, con người sống ở trần gian làm nhiều việc thiện thì chết sẽ được lên các cõi trời, còn làm nhiều điều ác khi chết sẽ bị giam cầm nơi địa ngục... Hằng năm, cứ vào thời gian từ 15 đến 30 tháng 8 âm lịch thì Diêm Vương xá tội vong nhân, những vong hồn đói khát này sau khi rời ngục tối tìm đến chùa chiền để hưởng vật thực của con cháu cúng kiến. Nhân mùa lễ Sene Dolta, mọi người Khmer trong phum sóc mang thức ăn và bánh trái ngon đến chùa, nhờ các nhà sư tụng kinh cầu nguyện cho vong hồn người thân quá cố sớm siêu thoát, đầu thai kiếp khác được phước báo sung túc hơn”.

Theo phong tục của người Khmer trước đây, lễ Sene Dolta cổ truyền kéo dài chừng nửa tháng, khi công việc gieo cấy ngoài đồng đã xong. Trong những ngày lễ Sene Dolta, buổi sáng từng nhà mọi người chuẩn bị mâm cơm cùng thức ăn và bánh trái ngon mang đến chùa, tổ chức thành lễ hội chung của phum sóc, nhờ sư sãi tụng kinh cầu nguyện mọi điều tốt lành cho vong hồn những người thân đã mất, để tỏ lòng báo hiếu và tri ân ông bà tổ tiên.

Ngày nay, đồng bào Khmer Nam bộ tổ chức lễ Sene Dolta (cúng ông bà) chỉ trong ba ngày theo phong tục cổ truyền như sau:

Ngày cúng tiếp đón: Buổi sáng, mọi người trang hoàng lại bàn thờ Phật trong nhà, dọn dẹp một giường thờ với mùng, mền, chiếu, gối và bộ quần áo mới để rước ông bà về dự. Khi dọn xong mâm cơm cùng thức ăn và bánh trái ngon, rượu, trà với bốn chén cơm và bốn đôi đũa để bốn góc giường thờ, gia chủ mời họ hàng thân tộc trong phum sóc đến thắp nhang đèn cúng bái. Quanh mâm cơm cúng, đàn bà ngồi xếp chân sang một bên, đàn ông ngồi chồm hổm, cùng chắp tay lạy và đọc kinh cầu nguyện cho vong hồn những người thân quá cố về hưởng vật thực.

Sau ba lần rót rượu và trà khấn vái, chủ nhà gắp thức ăn mỗi món một ít, rót một chút rượu và trà cúng lên bốn chén cơm, xong mang ra đặt ở bốn góc rào chung quanh nhà, mỗi nơi cắm một nén nhang mời vong hồn ông bà về dự lễ cùng con cháu.

Buổi chiều, mọi người trong nhà ăn mặc đẹp, dọn mâm cơm cùng thức ăn mới cúng ông bà, đủ ba lần rót rượu và trà khấn vái, chủ nhà mời vong hồn ông bà cùng đến chùa nghe nhà sư tụng kinh cầu siêu và thuyết pháp cho đến tối. Buổi tối, các vị achar lấy những nắm cơm vắt đựng trên mâm cúng Tam bảo đem ra ngoài để chung quanh điện Phật cho những vong hồn cô đơn đang đói khát ăn, vì những vị này không có con cháu đến chùa dâng cúng.

Bùi Hiếu (Nguồn: Báo Dân tộc & Phát triển - Số 80/2010) [TT: H.T.N]