Kim Nu Phiếp nghệ sĩ của Phum Sóc
10:25 AM 20/10/2010 | Lượt xem: 2585 In bài viết |Nghệ sĩ Kim Nu Phiếp sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc. Cha anh là nghệ nhân Kim Kinh nổi tiếng trong vùng nên tinh thần say mê văn nghệ đã thấm vào người Kim Nu Phiếp từ tấm bé. Từ sự chỉ dạy của cha, Kim Nu Phiếp đã làm quen với đàn cò, đàn tranh và trau chuốc tiếng hát của mình để phục vụ bà con trong phum sóc. Theo thời gian, các loại nhạc cụ ngũ âm truyền thống của đồng bào Khmer đã được anh chơi khá điêu luyện. Anh Phiếp cho biết: “Sau khi cha tôi mất, phong trào văn nghệ tại địa phương cũng mai một dần. Vì thế, tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm giữ gìn hồn âm nhạc dân tộc, phải tập hợp những người có tinh thần yêu văn nghệ để tập luyện, biểu diễn phục vụ bà con”.
Từ suy nghĩ đó, năm 2005, anh Kim Nu Phiếp đã đề xuất và được UBND xã quyết định thành lập Đội Văn nghệ quần chúng Khmer xã Đôn Châu. Tuy cuộc sống của anh và các thành viên trong Đội còn nhiều khó khăn, nhưng sự nhiệt tình của anh đã khơi dậy phong trào văn nghệ tại địa phương. Nhiều người đã thu xếp thời gian tham gia tập luyện để cho tiếng đàn, lời ca ngày một hay hơn. Trong các buổi tập, nghệ sĩ Kim Nu Phiếp tận tình chỉ dạy lại để các thành viên hoàn thiện hơn khi lên sân khấu biểu diễn. Anh Kim Sóc Pho, thành viên Đội Văn nghệ quần chúng Khmer xã Đôn Châu cho biết: “Nhờ anh Phiếp tập hợp, hướng hướng dẫn mà chúng tôi có Đội văn nghệ lớn mạnh như hiện nay. Anh luôn nhiệt tình, chăm lo cho anh em trong Đội. Đặc biệt, anh phát hiện nhiều bạn trẻ có triển vọng để hướng dẫn trở thành những diễn viên, nghệ sĩ cho tương lai nên anh em trong Đội ai cũng quý mến”.
Không chỉ thành lập ra Đội Văn nghệ quần chúng Khmer xã Đôn Châu, anh Kim Nu Phiếp còn là một nghệ sĩ chính của Đội. Anh chỉ đạo dàn nhạc ngũ âm, tham gia hát à dai, múa rô băm... Những tiết mục biểu diễn có sự tham gia của anh đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bà con Khmer. Hiện nay, anh đang hướng dẫn 4 người con của mình tiếp tục đi theo con đường âm nhạc. Anh được sư sãi các chùa tại tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng mời về dạy đàn, hát cho các đội văn nghệ quần chúng nơi đây. Anh cho biết: “Tôi sẽ cố gắng hết mình truyền lại vốn hiểu biết âm nhạc của mình cho các bạn trẻ, để góp phần giữ gìn bản sắc âm nhạc dân tộc”.
Quỳnh Lam (Nguồn: Báo Dân tộc & Phát triển - Số 82/2010) [TT: H.T.N]