Nghệ nhân làng rèn Cơtu

10:10 AM 04/11/2010 |   Lượt xem: 1968 |   In bài viết | 

46 tuổi đời và... 36 tuổi nghề

Tôi về thăm làng rèn Cơtu vào mùa giáp hạt. Bao trùm cả không gian núi rừng hoang sơ, yên ắng là những tiếng búa đập xuống đất thình thịch, tiếng leng keng gõ nhịp sắt và tiếng ro ro của máy quạt lửa tạo nên những âm thanh hỗn hợp vang dội, làm náo động cả một góc rừng. Tổ rèn của ông Bh’riu Bhưih đang lúc nhộn nhịp, đông đúc nhất. Ông đang cần mẫn hướng dẫn anh Bh’riu Lanh từng động tác đập búa rèn dao, rựa. Ông nói: “Từ bao đời nay, đồng bào Cơtu luôn sống theo tập tục canh tác đất sản xuất để trồng trọt hoa màu. Chính từ công việc mang tính đặc thù đó đã hình thành nên làng nghề rèn “độc nhất vô nhị” trên dãy Trường Sơn hùng vĩ này”. Bhưih học nghề từ bố ông - một thợ rèn giỏi trong làng khi mới lên 10 tuổi.

Ông tự hào: “Nghề này mặc dù không khó nhưng rất ít ai học được nếu không chịu khó, kiên trì học hỏi. Không thu được nhiều tiền nhưng nghề rèn đã gắn chặt với cuộc đời mình. Cái nghề mà cha ông đã để lại thì không bỏ được”. Với tuổi đời chỉ bước qua ngưỡng cửa 46 mùa rẫy, nhưng rất ít ai biết rằng, Bh’riu Bhưih đã có thâm niên đến 36 năm làm thợ rèn, sống chết với nghề. Ông là một trong số hiếm hoi người Cơtu còn “bám trụ” được với nghề rèn truyền thống nơi núi rừng Trường Sơn đại ngàn.

“Giữ lửa” cho một làng nghề

Đối với đồng bào Cơtu trên dãy Trường Sơn, nghệ nhân rèn Bh’riu Bhưih được xem là người có tay nghề lâu năm, được nhiều người biết đến. Ông Bh’riu Bhưih là người đảm nhiệm hầu hết các khâu quan trọng trong rèn thủ công. Chúng tôi gắng sức giữ nghề truyền thống để truyền đạt kinh nghiệm cho thế hệ trẻ. Ông Bh’riu Tình, Trưởng thôn Bhờ Hôồng 1 cho biết: Tổ rèn thôn Bhờ Hôồng được thành lập và duy trì cùng các tổ đan lát, dệt thổ cẩm gần 5 năm nay. Ban đầu các lò rèn phục vụ nhu cầu cho các gia đình trong thôn, nhờ tập hợp được những người có tay nghề như ông Bh’ling Bloó, Bh’ling Anh, Alăng Đíh... đến nay các lò rèn đã cung ứng sản phẩm cho các làng lân cận và khách du lịch. Ông Bhưih còn hướng dẫn truyền nghề cho chính các con trai của mình và các thanh niên trẻ trong vùng. Anh Bh’riu Lanh, một người dân trong thôn cho biết: “Dưới sự dẫn dắt, chỉ bảo của thợ thầy Bh’riu Bhưih, chúng tôi đang dần trưởng thành lên thợ rèn chính”.

Đang vào mùa giáp hạt nên hằng ngày có rất đông người dân đến lò rèn của ông Bhưih để đặt mua và nhờ ông sửa chữa những cái rựa, dao bị cùn, hư hỏng. Tiền công cho mỗi lần rèn một cái rựa, con dao ông chỉ lấy 10 đến 20 nghìn đồng. Ông Bh’riu Bhưih nói: “Đồng bào mình còn nghèo, lấy tiền đâu mà trả cho nhiều. Họ có miếng sắt vụn đem đến nhờ mình rèn thành dao, rựa là quý lắm rồi. Bởi vừa giúp đỡ được đồng bào, vừa khôi phục làng nghề, vừa lại có thêm phần thu nhập cho gia đình”.

Già làng Bh’riu Prăm, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, cho biết, người Cơtu rất coi trọng nghề rèn truyền thống lâu đời của mình. Hiện nay, nghề này đang dần bị mai một, thất truyền khi giới trẻ không mấy quan tâm đến. “Là chủ công trong các lò rèn, anh Bh’riu Bhưih xứng đáng được đồng bào Cơtu khắp vùng khen ngợi là người “giữ lửa” cho làng nghề Cơtu trên đại ngàn  Trường Sơn” - già làng Bh’riu Prăm khẳng định.

Alăng Ngước (Nguồn: Báo Biên phòng) [TT: H.T.N]