Thanh Hóa: Khó khăn trong phát triển đảng viên vùng sâu, vùng xa
02:15 AM 25/11/2010 | Lượt xem: 3201 In bài viết |Những năm gần đây, công tác phát triển đảng ở khu vực miền núi Thanh Hóa đã có những chuyển biến cơ bản, thể hiện trong kết quả thực hiện nhiệm vụ có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực. Điều đó cho thấy nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác phát triển đảng viên đã được nâng lên đáng kể.
Từ năm 2004 đến nay, Thanh Hóa đã kết nạp được 633 đảng viên ở những thôn, bản chưa có đảng viên và chi bộ ghép. Các cấp cũng xóa được 32 thôn, bản chưa có đảng viên và 64 chi bộ ghép. So với thời điểm cuối năm 2009, toàn tỉnh đã xóa được 2 thôn, bản không có đảng viên và 9 chi bộ ghép. Một kết quả khá khả quan trong điều kiện để phát triển Đảng ở địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) rất khó khăn. Đến nay, Thanh Hóa còn 20 thôn, bản chưa có đảng viên, 8 chi bộ thôn, bản vẫn phải sinh hoạt ghép. Những thôn bản này tập trung chủ yếu ở khu vực đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn.
Huyện miền núi Mường Lát là một trong những huyện có số thôn bản chưa có đảng viên, chưa có chi bộ cao nhất tỉnh, với 18/20 thôn, bản chưa có đảng viên và 7/8 thôn bản có chi bộ phải sinh hoạt ghép. Từ đầu năm đến nay, huyện đã triển khai phân công hàng chục đảng viên từ cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp xã về sinh hoạt tại các chi bộ cơ sở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Trên cơ sở đó, tạo nòng cốt thành lập chi bộ mới và bồi dưỡng, giới thiệu quần chúng ưu tú để kết nạp đảng viên.
Hằng năm, ở những khu vực này, đối tượng được kết nạp đảng chủ yếu là lực lượng bộ đội, giáo viên đang công tác trên địa bàn và một số rất ít người địa phương đang công tác trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị. Thậm chí, số đảng viên mới được kết nạp trong năm ít hơn năm trước.
Ông Phùng Bá Văn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết: Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu nền kinh tế, kéo theo sự chuyển dịch về cơ cấu lao động. Trong bối cảnh đó, một bộ phận nông dân đã thoát ly một phần hoặc thoát ly hoàn toàn khỏi sản xuất nông nghiệp để tham gia vào các ngành, nghề khác. Trong đó, thanh niên là đối tượng số một chịu sự tác động và sức hút bởi việc làm, thu nhập từ các đô thị. Điều này ít nhiều đã dẫn đến sự thiếu hụt về lao động trẻ ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Theo đó, nguồn cho công tác phát triển đảng viên từ nông dân cũng bị thu hẹp. Còn đối với một bộ phận thanh niên ở lại địa phương, mặc dù mong muốn được vào Đảng, nhưng lại không đáp ứng đủ tiêu chí kết nạp, nhất là trình độ văn hoá chưa tốt nghiệp THCS… (Theo quy định, tối thiểu phải tốt nghiệp THCS mới đủ điều kiện để kết nạp Đảng- PV).
Bên cạnh đó, phần lớn đồng bào dân tộc Mông cư trú trên địa bàn các huyện miền núi đều là dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào, trình độ văn hoá thấp, lý lịch của nhiều người không rõ ràng. Vừa qua, Ban Thường vụ Huyện uỷ Mường Lát đã tạo nguồn, bồi dưỡng giúp đỡ một số đoàn viên, quần chúng ưu tú dân tộc Mông ở xã Trung Lý và Mường Lý để kết nạp vào Đảng khi đủ điều kiện. Nhưng khi đi thẩm tra lý lịch mới phát hiện những người này đều khai sai quê quán (tức là đã di cư tự do từ lâu rồi), nên không đủ điều kiện để kết nạp.
Một mâu thuẫn rất dễ nhận thấy là, trong khi nguồn phát triển đảng bị mất cân đối, nhưng chất lượng công tác phát triển đảng vẫn phải nâng cao đã đặt các chi bộ nông thôn vào tình thế lúng túng. Nhìn tổng thể, mặt bằng dân trí của đoàn viên, hội viên các đoàn thể ở khu vực nông thôn đã được nâng lên nhưng vẫn thấp hơn so với các đối tượng khác do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố.
Trước mắt, có thể tận dụng triệt để những điều kiện, khả năng hiện có để tạo nguồn và phát triển đảng viên là người DTTS, nông dân; thực hiện nhiều biện pháp nhằm củng cố hệ thống chính trị, gắn với phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá, chú trọng các nhân tố trẻ, người có trình độ, uy tín, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ...
Việc tuyên truyền, giáo dục, giúp đỡ quần chúng nâng cao nhận thức về Đảng, tích cực tham gia bảo về an ninh, trật tự, đường biên giới, lao động sản xuất, xoá đói giảm nghèo cũng là một trong những yếu tố để thử thách, xem xét kết nạp đảng, qua phấn đấu, hiệu quả công tác của quần chúng ưu tú. Bên cạnh đó, chủ trương tăng cường đưa đảng viên về công tác, sinh hoạt và thành lập chi bộ ở các thôn, bản chưa có đảng viên đang cho thấy là hướng đi đúng, cần thiết. Theo đó, năm 2010, Thanh Hoá tiến hành đưa khoảng 55 đảng viên về thôn, bản sinh hoạt, tổ chức thành lập 16 chi bộ, phấn đấu mỗi năm một chi bộ kết nạp được 1-2 đảng viên là người địa phương.
Hoàng Thanh (Theo Báo Dân tộc & Phát triển)