10 năm tới, mức sinh ở khu vực miền núi còn có thể tiếp tục ở mức cao
04:10 AM 10/12/2010 | Lượt xem: 2511 In bài viết |Theo báo cáo của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, hiện nay, mức sinh thay thế ở các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, mức giảm sinh không ổn định và có nguy cơ tăng trở lại. Để đạt được mục tiêu về mức sinh thay thế, thì một số tỉnh cần tới 10 năm, 20 năm, có thể tới 30 năm.
Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở 1/4/2009, trong tổng số 20 tỉnh có đông đồng bào thiểu số sinh sống có đến 13 tỉnh (65%) chưa đạt mức sinh thay thế, đặc biệt có đến 8 tỉnh mức sinh vẫn còn cao trong đó đặc biệt có Kon Tum và Hà Giang mức sinh còn rất cao.
Thực tế ở Việt Nam, giai đoạn mức sinh còn cao, tốc độ giảm TFR có thể đạt mức cao nhưng khi mức sinh đã xuống thấp tới mức gần mức sinh thay thế thì tốc độ giảm TFR chậm lại. Giai đoạn từ 1989 đến 1999, trên toàn quốc, TFR giảm 1,47 con, từ 3,8 xuống 2,33, bình quân mỗi năm giảm được 0.147 con. Giai đoạn 1999 đến 2009, TFR giảm từ 2.33 xuống 2.03, mức giảm bình quân mỗi năm chỉ được 0.03 con. Thực tế trên dự tính cũng sẽ diễn ra ở các tỉnh có đông đồng bào thiểu số sinh sống.
Chưa tính đến những yếu tố khó khăn về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và văn hóa ở khu vực có đông đồng bào thiểu số sinh sống, nếu mức giảm TFR tại các tỉnh này tương đương như mức giảm bình quân toàn quốc trong 10 năm qua (0.03 con/năm), thì hầu hết các tỉnh có đông đồng bào thiểu số sinh sống hiện chưa đạt mức sinh thay thế cần từ 10 năm trở lên để phấn đấu đạt mức sinh thay thế, cá biệt có những tỉnh cần đến trên 30 năm để đạt được mức sinh thay thế.
Bên cạnh đó, mức giảm sinh không ổn định, có nguy cơ tăng trở lại. Mặc dù đạt mức giảm sinh nhanh trong giai đoạn vừa qua, ở các tỉnh có đông đồng bào thiểu số sinh sống vẫn tồn tại nguy cơ mức sinh tăng trở lại. Xem xét số kết quả từ hai cuộc điều tra Biến động dân số 1/4/2007 và Tổng điều tra dân số và nhà ở 1/4/2009, là những cuộc điều tra có nghiên cứu về TFR và CBR tới cấp tỉnh, nếu xét đến tổng tỷ suất sinh, thì có 7 tỉnh (35%) có tình trạng TFR năm sau tăng hơn năm trước. Nếu xem xét về tỷ suất sinh thô thì có tới 12 tỉnh chiếm đến 60% số tỉnh có tình trạng CBR tăng trở lại, trong đó có đến 4 tỉnh mức tăng trở lại vượt trên 2 %o.
Ở các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, có đặc điểm chung là dân số trẻ, phụ nữ bước vào tuổi sinh đẻ cao, nhóm phụ nữ có tỷ suất sinh cao tiếp tục tăng cũng là một khó khăn lớn để giảm. Khi so sánh nhóm tuổi 15-19 với nhóm tuổi 45-49 là nhóm sắp qua tuổi sinh đẻ, tỷ lệ phụ nữ nhóm 15-19 tại 20 tỉnh có đông đồng bào thiểu số sinh sống lớn gấp 1,5 lần. Với đặc điểm này có thể dự báo rằng trong 10 năm tới mức sinh ở khu vực này còn có thể tiếp tục ở mức cao, thậm chí có thể tăng trở lại khi mà nhóm phụ nữ đông nhất hiện đang ở tuổi 15-19 bước vào độ tuổi có mức sinh cao nhất (20-29 tuổi), đồng thời nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình tiếp tục tăng./.
Theo Thương Huyền (Website Đảng Cộng sản VN)