Tưng bừng Khai hạ Mường Bi

08:55 AM 24/02/2011 |   Lượt xem: 2408 |   In bài viết | 

Lễ hội khai hạ Mường Bi năm 2011 còn được gọi là Lễ hội cầu mùa và mở cửa rừng, bởi theo truyền thống, sau khi lễ hội này diễn ra, bà con mới được vào rừng hái măng, hái củi và xuống đồng chuẩn bị cho mùa vụ mới. Đây là lễ hội lớn được tổ chức hàng năm vào dịp đầu xuân với ý nghĩa tổng kết một năm lao động, sản xuất và mở đầu công việc cho một năm mới, đồng thời là nơi gặp gỡ giao lưu để thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng; là dịp để người dân tỏ lòng tôn kính với các vị thần linh; cầu mong cho xóm làng yên vui, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi phát triển...

Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa đối với cộng đồng dân tộc Mường ở huyện Tân Lạc nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung, góp phần vào việc lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc Mường.

Điều đặc biệt trong ngày Khai hạ, tất cả những người đi dự hội đều mang theo một gói cơm nắm, trừ các Lang, Ậu và ông Mo. Lễ hội được tổ chức gồm hai phần chính: Phần Lễ cúng được tổ chức tại miếu thờ xóm Lũy; người điều khiển phần nghi lễ là ông Mo (những người làm quan, chức sắc và các vị cao niên trong làng). Sau khi hoàn thành cỗ lễ và bày đặt xong xuôi, ông Mo, Lang, các Ậu cùng nhân dân đi rước bóng Quốc Mẫu Hoàng Bà và Tam vị Tản Viên Sơn Thánh từ bờ suối Lồ - nơi Quốc Mẫu Hoàng Bà về trời.

Phần hội được mở đầu bằng màn trình diễn cồng chiêng với hơn 200 thiếu nữ Mường đến từ các xã trong huyện tham gia. Tiếp đó là những hoạt động văn hoá, văn nghệ, trò chơi dân gian như: Hát thường rang, múa bông trăng, thi người đẹp Mường Bi, thi đan lồng gà, kéo co, ném còn, đánh cù, đánh mảng…

Những người đến tham gia lễ hội Mường Bi còn được dịp tìm hiểu nét độc đáo của ẩm thực người Mường với những món ăn được người dân sử dụng trong những ngày lễ, tết như: Cá suối, thịt gà, ếch nấu măng chua, hạt dổi; thịt trâu lá lồm….

Lễ hội còn là dịp để các chàng trai, cô gái Mường giao lưu, trao duyên cùng nhau. Nhiều trò chơi giao duyên như ném còn, đánh cù và những điệu múa diễn ra càng làm tăng thêm những nét đẹp văn hóa cho lễ Khai hạ Mường Bi.

Lễ xuống đồng đặt đường cày đầu tiên do những người có uy tín nhất trong làng thực hiện với mong muốn mở đầu cho một vụ mùa bội thu, dân làng ấm no hạnh phúc.

Duy Tiên - Thùy Dung (Nguồn: Báo Dân trí) [TT: H.T.N]