Ban chỉ đạo Tây Bắc sơ kết 6 tháng đầu năm
08:06 AM 16/08/2011 | Lượt xem: 2616 In bài viết |Sáng 12/8, tại Yên Bái, Ban Chỉ đạo Tây Bắc tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2011, triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2011; đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 năm (2005-2010). Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương trong vùng.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo đánh giá những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của vùng trong 6 năm (2005 - 2010). Theo báo cáo, tốc độ tăng trưởng GDP toàn vùng bình quân đạt 11,21%. Cơ cấu kinh tế được chuyển dịch theo hướng tích cực. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư và có bước cải thiện rõ rệt. Trong 6 năm, toàn vùng đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp 3.675/4.300 km đường trên các tuyến quốc lộ; các tuyến đường giao thông trọng điểm, huyết mạch được đầu tư xây dựng, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội của vùng.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2011, mặc dù chịu nhiều tác động của lạm phát, suy giảm kinh tế, song kinh tế của các tỉnh trong vùng Tây Bắc vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển khá với tốc độ tăng trưởng đạt 10,54%, trong đó có một số địa phương trong vùng có tốc độ tăng trưởng cao như Lai Châu tăng 14,22%, Tuyên Quang tăng 14,05%, Phú Thọ tăng 12,8%... Sản xuất nông nghiệp tuy chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố không thuận lợi do thiên tai, hạn hán, dịch bệnh… song hầu hết cây trồng của các tỉnh đều tăng cả về năng suất, sản lượng và giá trị. Sản lượng lương thực của vùng tăng 7,84%. Sản xuất công nghiệp tăng 21,06%. Một số sản phẩm tăng khá mạnh như: bột giấy, điện… Hoạt động thương mại, dịch vụ được mở rộng. Lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực; tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội được đảm bảo, chủ quyền biên giới được giữ vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn tồn tại một số hạn chế như: Lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao đã ảnh hưởng xấu đến sản xuất và đời sống người dân trong vùng; tình trạng thiếu đói giáp hạt còn xảy ra ở một số địa phương; số đối tượng nghiện ma túy còn lớn, trên 43 nghìn người, chiếm trên 34% tổng số đối tượng nghiện ma túy có hồ sơ quản lý của cả nước; các thế lực thù địch trong và ngoài nước vẫn tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “diến biến hòa bình”, chống phá trên mọi lĩnh vực với nhiều âm mưu và thủ đoạn tinh vi, khó lường.
Mức tăng GDP bình quân đầu người của vùng trong 6 năm qua mới bằng ½ bình quân chung của cả nước; tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm tỷ lệ lớn, gần 40% (theo tiêu chí mới); cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm; tăng trưởng kinh tế còn chưa tương xứng với tiềm năng…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Trương Vĩnh Trọng biểu dương những nỗ lực của các địa phương trong thời gian qua. Tuy nhiên, đồng chí khẳng định, những con số đó vẫn là mức thấp so với toàn quốc. Trước những diễn biến của tình hình trong nước và khu vực trong thời gian tới, đồng chí yêu cầu Ban Chỉ đạo Tây Bắc và các địa phương vùng Tây Bắc cần tiếp tục chủ động, linh hoạt trong huy động sức mạnh tổng thể của các nguồn lực nhằm khai thác tốt hơn nữa các tiềm năng, lợi thế của vùng, tạo các đột phá trên các lĩnh vực trong quá trình triển kinh tế-xã hội. Trước mắt, cần tập trung cao độ để chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp cơ bản kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.
Đồng chí cũng lưu ý, bên cạnh việc đẩy mạnh thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong vùng, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện, trụ sở xã; cần tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc; triển khai tích cực, có hiệu quả Chương trình giảm nghèo tại 43 huyện nghèo trong vùng theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Đặc biệt, các địa phương cần chú trọng triển khai thực hiện tốt các chính sách về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; trong đó, cần quan tâm hơn nữa tới việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung phát triển giáo dục, dạy nghề cho thanh niên, lao động nông thôn, nhân lực trình độ cao, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn trong giai đoạn mới./.
Theo Website Đảng Cộng sản VN