Âm nhạc vùng dân tộc miền núi: Cần sự chăm lo

10:56 AM 10/09/2011 |   Lượt xem: 3502 |   In bài viết | 
Các điệu “híp hop” cũng đã về tận làng bản do sức lan truyền văn hóa qua các phương tiện kỹ thuật nghe nhìn với  tốc độ quá nhanh chóng. Những bản nhạc rock ,rap đang lấn dần những điệu dân ca tình tứ lâu đời của các dân tộc. Các điệu dân ca của các dân tộc chỉ còn hấp dẫn đối với lứa trung niên trở lên. Hiện trạng này đã và đang đặt ra vấn đề bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trong âm nhạc ở vùng dân tộc miền núi.

Nói đến phát huy và phát triển âm nhạc các dân tộc cũng rất nên tránh cách nhìn thủ cựu, cứ khư khư giữ lấy cái cũ, cái đã lạc hậu. Vậy thì phát huy và phát triển cái gì? Phát huy và phát triển là chú trọng những giá trị văn hóa để từ những giá trị đó mà có những giải pháp, có những chương trình phù hợp với yêu cầu phát triển, chứ không phải làm theo kiểu gán ghép cố  lấy được, không xuất phát từ thực tế và xu hướng của thời đại. Thực tế cũng cho thấy không ít những tác phẩm âm nhạc gần như bê nguyên xi cái đã có, ít phần sáng tạo mang dấu ấn của người viết. Mặt khác khá phổ biến là nhiều người cùng khai thác một chất liệu nên rất dễ giống nhau. Giống nhau về tiết tấu, về khúc thức, ngôn ngữ âm nhạc, đến biểu cảm ca từ, dễ gây sự đơn điệu, nhàm chán. Vậy thì cụ thể phải chăm lo tới những vấn đề gì trong khai thác phát triển âm nhạc miền núi dân tộc Tây Bắc nói riêng và âm nhạc dân tộc miền núi dân tộc nói chung?

Đối với âm nhạc được thể hiện trong các lễ hội rất cần khai thác tinh thần nhân văn của từng dân tộc. Ví dụ, lễ “Gầu tào” của người Mông thì tiêu biểu là ở chỗ nó gắn với thiên nhiên, đề cao tính thượng võ,  gắn với sinh hoạt trữ tình qua chiếc kèn lá, khèn môi.  Người Tày, người Thái là lễ hội “Lồng tồng” và người Khơ Mú  lễ “Đón mẹ lúa”, gắn kết với sản xuất, gắn với các lễ thức tín ngưỡng, cầu cho mùa màng tốt tươi, người người no ấm,  với nhịp đâm đuống rộn ràng. Nó còn được “âm điệu hóa” trong tính tẩu, khèn pí, tăm bu, rất đặc trưng cho mỗi dân tộc. Người Dao thì gắn với “Tết nhảy” khẳng định vị thế con người. Người Cao Lan thì nhịp trống tang sành… Đấy chính là khai thác yếu tố tinh thần, thể hiện khát vọng của mỗi dân tộc, cũng chính là phần hồn cốt văn hóa trong âm nhạc đậm màu sắc tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng của mỗi dân tộc.

Về ngôn ngữ, mỗi dân tộc đều có nguồn gốc văn hóa của mình. Ngôn ngữ sản sinh ra các truyền tích, các làn điệu dân ca, những câu chuyện cổ của mỗi dân tộc, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa phi vật thể. Một số dân tộc Tây Bắc còn có chữ viết cổ, như người Thái, người Dao, người Mông. Tuy ít có điều kiện tham dự vào những chương trình phát triển chung, nhưng chí ít cũng có tác dụng bảo tồn, lưu giữ những giá trị truyền thống. Không có sự phát triển nào lại không cần tới nguồn gốc văn hóa!  Cho nên việc khai thác cốt cách tiếng nói, ngữ điệu âm thanh của mỗi dân tộc rất cần thiết cho âm nhạc.

Đã không ít tác phẩm âm nhạc của nhiều tác giả thành công là nhờ biết khai thác cái tinh túy trong âm nhạc các dân tộc. Giữ nguyên hồn cốt, tinh thần, đồng thời phả vào nó bằng cảm thức của đương đại, thông qua phối âm phối khí, lấy âm hưởng dân tộc làm chủ đạo. Như vậy, rất cần hiện đại hóa âm nhạc bằng chính chất liệu dân tộc. Tránh được những dị ứng dùng nhạc cụ hiện đại lấn lướt hoặc làm biến dạng màu sắc âm nhạc của mỗi dân tộc. Điều này dễ thấy nhất trong hoạt động âm nhạc quần chúng ở các địa phương. Bất chấp nhạc xòe hay nhạc then, cứ một âm điệu điện tử của cây đàn organ keyboard đơn điệu nghèo nàn lặp đi lặp lại.

Ngoài ra, do cơ chế thị trường, phục vụ nhu cầu du lịch, nhiều sinh hoạt ca hát của các dân tộc bị biến dạng, không giữ được hồn cốt nguyên sơ, khởi thủy, mà nhấn mạnh kinh doanh hơn là phát huy, nhấn mạnh yếu tố khai thác kinh tế hơn là phát triển văn hóa. Nhiều nơi tổ chức những đội múa hát “gà nòi” nặng về trình diễn hơn là biểu cảm tinh thần nhân văn của các dân tộc.

Một điều thật khó khăn không thể không đề cập là sự quảng bá đối với các tác phẩm của nhạc sĩ  địa phương miền núi và dân tộc. Ai cũng thừa biết, một ca khúc viết ra phải được quảng bá mới hoàn chỉnh một tác phẩm. Muốn quảng bá được tác phẩm phải qua nhiều công đoạn. Phối âm phối khí, dàn nhạc rồi ca sĩ dàn dựng, công phu hơn còn múa hát phụ họa nữa. Nhưng đối với nhạc sĩ sáng tác địa phương, tất cả các thứ đó đều tay trắng. Phải nhờ vả vào các đoàn nghệ thuật, nhờ ca sĩ thể hiện. Chi tiền làm một chiếc đĩa hát nháp tối thiểu phải hai triệu đồng (giá bèo nội bộ), người viết đành chỉ dừng lại ở bản nhạc gốc, gấp lại để đấy. Có nhạc sĩ hăng hái làm đĩa để nộp tác phẩm hằng năm, dự thưởng ở địa phương. Kết quả, chi hai triệu làm đĩa, đạt giải  được thưởng những 1 triệu! Điều này nói ra để cùng chia sẻ, chứ cũng khó mà có được cơ chế khắc phục trong hoàn cảnh hiện tại. Ấy là chưa nói đến lực lượng sáng tác âm nhạc trẻ ở Tây Bắc càng hiếm hoi, do sự hấp dẫn kinh tế lôi cuốn, không mấy người say sưa với sáng tác âm nhạc!

Cho nên, muốn cho âm nhạc miền núi dân tộc duy trì và phát triển, rất cần các cơ quan quản lý tạo điều kiện cần thiết cho các hoạt động âm nhạc đi đúng hướng, tạo điều kiện cho sáng tạo của các nhạc sĩ địa phương, phát triển đội ngũ những người sáng tác và biểu diễn đáp ứng với nhu cầu thưởng thức âm nhạc càng cao của công chúng.

Ngọc Bái (Nguồn: Báo Yên Bái)