Trình diễn trang phục các dân tộc Việt Nam Cuộc “ kiểm kê” bản sắc văn hóa
10:56 AM 10/09/2011 | Lượt xem: 2561 In bài viết |Để bảo tồn, kiểm kê, phô diễn sự giàu có trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương đang có những nỗ lực, tích cực để chuẩn bị cho sự kiện trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam dự kiến được tổ chức vào tháng 11/2011, tại Hà Nội.
Ông Chu Tuấn Thanh, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc cho biết: Khi thực hiện Đề án này, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến ủng hộ của Bộ, ngành và các địa phương vì đây không chỉ là một cuộc trình diễn trang phục đơn thuần mà là một cuộc “kiểm kê” bản sắc văn hoá các dân tộc, xem cái gì còn, cái gì mất. Trong thời điểm này, sự giao thoa văn hoá đang diễn ra mạnh mẽ. Theo thống kê sơ bộ, ít nhất đã có 5 dân tộc không còn giữ được trang phục truyền thống của mình là người Xinh Mun, Pu Péo, Sila, Cống và người Rục. Cuộc trình diễn lần này sẽ giúp người dân cả nước có cơ hội được chiêm ngưỡng sự hội tụ trang phục truyền thống của 54 dân tộc anh em ở quy mô cấp Quốc gia.
Thời điểm này, các địa phương đang gấp rút chuẩn bị nhân sự, rà soát và tìm lại những trang phục truyền thống, kể cả phải phục dựng lại các trang phục của một số dân tộc theo thời gian đã bị thất truyền.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương còn gặp một số khó khăn. Ông Lý Văn Hải, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lào Cai cho biết: Theo quy định của Ban Tổ chức, các thí sinh tham gia trình diễn phải có chiều cao từ 1m55 (nữ), từ 1m65 (nam), phải biết trả lời, ứng xử và hiểu biết về truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Điều này cũng khiến việc tìm kiếm, tuyển chọn thí sinh ở các bản vùng sâu, xa gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng tuyển chọn đủ số lượng đại diện của các dân tộc, tham gia trình diễn cấp toàn quốc với những tiêu chuẩn cao nhất.
Hà Giang là tỉnh có nhiều dân tộc anh em chung sống nhưng cũng đang gặp những vướng mắc trong việc thống kê và tìm kiếm các trang phục các DTTS trên địa bàn. Ông Long Hữu Phúc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang nhận định: “Chúng tôi đang tiến hành tuyển chọn thí sinh. Tuy nhiên, hiện nay một số trang phục dân tộc đã bị mai một, thất truyền, nên việc tìm kiếm, phục dựng lại nguyên gốc cũng có những trở ngại, mất nhiều thời gian, công sức và chắc chắn rằng cần có kinh phí để làm”.
Tuy nhiên, ông Chu Tuấn Thanh cho biết: Các tỉnh nên phối hợp với Bảo tàng Các dân tộc Việt Nam (đóng tại Thái Nguyên) để lấy mẫu và mượn các trang phục gốc đang lưu giữ tại đây. Trên cơ sở đó, các địa phương có thể may lại theo trang phục gốc, vừa đáp ứng đúng tiêu chí của Ban Tổ chức đưa ra, vừa có cơ hội, điều kiện phục dựng lại những trang phục truyền thống đã bị mai một, thất truyền. Tiêu chí đầu tiên của cuộc trình diễn này là tất cả các bộ trang phục phải là trang phục gốc, không chấp nhận trang phục cách tân và phải do chính người dân tộc đó trình diễn.
Cuộc trình diễn trang phục truyền thống là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc tôn vinh, phát huy vẻ đẹp văn hóa trong trang phục đặc trưng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện, các cơ quan Trung ương và địa phương dù gặp khó khăn, nhưng vẫn đang nỗ lực để mang đến cho công chúng những hình ảnh đẹp, thú vị, ý nghĩa nhất.
Bài và ảnh: Thanh Huyền (Nguồn: Báo Dân tộc & Phát triển)
Tin khác