Người “hồi sinh” thổ cẩm Tà-ôi

03:25 AM 16/09/2011 |   Lượt xem: 2020 |   In bài viết | 

Vượt qua luật tục

Ngày đêm băng rừng lội suối, vừa truyền nghề, vận động chị em phụ nữ trở lại với nghề dệt thổ cẩm (dèng) truyền thống rồi tự tay mình thành lập xưởng dệt ngay tại thị trấn A Lưới, tạo công ăn việc làm cho hàng chục chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn là những “kỳ tích” hiếm thấy mà người con gái Tà-ôi- Mai Thị Hợp đã làm được. Chị kể, trước đây nhà chị ở xã A Đớt (huyện A Lưới), cái nghèo, đói luôn đeo đẳng. Những đêm đông, bên ngọn đèn leo lét, mẹ chị- bà Kăn Prê đã chỉ cho con gái từng đường thêu, mối chỉ. Khi lớn lên về nhà chồng, sản phẩm thổ cẩm đầu tiên do bàn tay con gái sáng tạo nên cũng được mẹ dành làm của hồi môn. Những ngày lao động nhọc nhằn trên nương rẫy, chị Hợp suy nghĩ rất nhiều. “Sao người Tà-ôi mình có nghề dệt thổ cẩm truyền thống mà cứ cam chịu mãi cảnh đói nghèo?”. Sau bao đêm trăn trở, chị đã đi đến quyết định truyền nghề dệt thổ cẩm của người Tà-ôi cho những chị em dân tộc khác. Chị kể: “Buổi đầu, mình đưa ra ý tưởng, gia đình phản đối kịch liệt, nhất là mẹ mình. Bà bảo: “Luật tục ngàn đời nay thế rồi, nghề thổ cẩm Tà-ôi không truyền ra ngoài. Nay con phá luật, Jàng sẽ phạt đó!” Nhưng rồi sau bao lần thuyết phục mẹ rằng, nếu không truyền nghề cho bà con các bản khác thì vải thổ cẩm của dân tộc mình sẽ không ai biết đến, mai này sẽ không còn ai dệt thổ cẩm nữa. Cuối cùng mẹ chị đã đồng ý.Hành trình “cô giáo” Mai Thị Hợp đến các bản làng vận động, dạy nghề bắt đầu. Từ thị trấn A Lưới, với túi xách đựng nhu yếu phẩm và bộ khung cửi trên vai, chị len lỏi hàng chục cây số đến các bản làng người Cơ-tu, Pa Hi, Pa-cô (Tà-ôi) ở các xã Nhâm, Hồng Trung, Hồng Thuỷ, A Roàng, A Ngo... dạy nghề thổ cẩm cho bà con. Chị nhờ họ đi vận động chị em đã từng biết nghề trở lại dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, công việc không phải lúc nào cũng suôn sẻ, có nhiều chị em quanh năm gia cảnh nghèo khó, vốn quen với việc nương rẫy nên khi chị đến thường nhận được những cái lắc đầu. “Mình phải kiên trì, mưa dầm thấm lâu, điều quan trọng là cho chị em thấy được sản phẩm bán được, có thu nhập cao hơn mấy mùa làm rẫy thì lúc đó chị em sẽ theo học”, chị nói.
Xưởng dệt của chị em nghèo
Thành lập năm 2004, với 5 thành viên, đến nay xưởng dệt thổ cẩm của chị Hợp đã có 35 chị em phụ nữ tham gia, thu nhập bình quân mỗi người đạt từ 1,2- 1,5 triệu đồng/tháng. Chị Hồ Thị Nhiên, thôn A Tin, xã A Đớt khoe: “Mình tham gia xưởng dệt này hơn một năm rồi. Trước đây mình làm nương, cực lắm, không đủ cái ăn, cái mặc. Từ ngày về đây, chị Hợp giúp vốn, tạo việc làm nên mình có thu nhập, có tiền mang về nuôi con ăn học.” Không chỉ tạo việc làm, nâng cao tay nghề, chị Hợp còn sáng tạo thêm nhiều mẫu mã, họa tiết mới rồi hướng dẫn chị em làm đến khi thuần thục mới thôi. Với những mẹ, chị ở xa, đường đi lại khó khăn, chị Hợp nhận hợp đồng rồi thông báo cho chị em dệt sản phẩm thổ cẩm tại nhà. Đúng hẹn mang đến giao hàng cho khách. Với cách làm này, vừa giúp đỡ nhiều chị em không có điều kiện đến xưởng dệt nhưng vẫn có thu nhập, vừa tăng thêm đội ngũ người dệt thổ cẩm. Chị Hợp bảo: “Thổ cẩm người Tà-ôi sinh động, đẹp hơn là nhờ vào các hạt cườm được đính lên sản phẩm và các mẫu mã mới nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa thổ cẩm Tà-ôi. Nói về dự định tương lai, chị bộc bạch: “Bao năm đi về các bản làng, nhìn chị em mình khổ, thương lắm, nhưng cũng không giúp nhiều hơn được. Nếu có điều kiện, mình sẽ mở rộng thêm xưởng dệt, tạo công ăn việc làm nhiều hơn nữa cho chị em”.

Bài và ảnh: Phan Duy (Theo: Báo Dân tộc)