Thắp sáng niềm tin nơi bản nghèo vùng biên

10:09 AM 20/12/2011 |   Lượt xem: 2784 |   In bài viết | 
Những mong một ngày, "con chữ" của các thầy cô sẽ giúp con em mình lớn khôn, giúp cho bản nghèo, hết nghèo; giúp làm con đường vào bản rộng mở và ánh điện thắp sáng trong đêm đại ngàn biên cương".
Kiên cường Hậu Cấu.

Nằm áp sát cột mốc số 3 (nay là mốc 188) là 42 hộ, 260 nhân khẩu đồng bào Mông sinh sống, đó là thôn Hậu Cấu, xã Chí Cà (Xín Mần). Phải ngồi chờ cơ hội may mắn khi màn sương chợt hiện, chợt tan, tôi mới nhìn thấy điểm cao 1.453 ở thôn Chí Cà Thượng lộ ra chốc lát. Nơi chân điểm cao này cách đây hơn hai mươi năm trước là điểm chốt tiền tiêu canh giữ biên giới của quân và dân ta trong các cuộc giao tranh biên giới. Nằm cách đó không xa, là trận địa pháo DKB, DKZ, nơi đồn trú của lực lượng quân chủ lực của ta chốt giữ ngày đêm bảo vệ từng tấc đất phía Bắc tổ quốc Việt Nam. Dưới kia là hang sâu Nàn Hái nơi đã từng chứa hàng trăm con người vào hang bám trụ, tải đạn, cứu thương trong suốt thời gian chiến tranh xẩy ra. Bí Thư Đảng uỷ xã Chí Cà, anh Hoàng Xuân Trường, trước kia nguyên là dân quân tự vệ, đã từng làm nhiệm vụ tải đạn, cứu thương, cùng bộ đội chủ lực của ta trấn giữ biên ải cho biết: Những ngày tháng giao tranh ác liệt vào giai đoạn năm 82 - 84 thế kỷ trước toàn bộ đồng bào thôn Hậu Cấu đã bám trụ 100% cùng bộ đội ở lại chiến đấu. Ngày ấy gần như toàn bộ lương thực, thuốc men... đã được đồng bào Hậu Cấu thồ ngựa, hoặc địu bằng quẩy tấu lên chốt cho bộ đội ta. Ngày đó, anh Trường (nay là Bí thư xã), anh Vương Xuân Kinh (nay là Chủ tịch HĐND xã Chí Cà) đều là các tay súng dân quân trực chiến cùng bộ đội chủ lực trong cuộc chiến tranh biên giới. Thôn Hậu Cấu, một địa bàn nóng bỏng nhưng không ai nao núng: “Một tấc không đi, một li không dời”. Khẩu hiệu thiêng liêng đó có tự nhiên ngay trong tiếng gọi “Đất mẹ” đối với đồng bào Hậu Cấu, đồng bào Chí Cà cho đến ngày hôm nay. Gần 8,5 km trên chiếc xe Đờ – rim cũ kỹ (mượn tạm của anh cán bộ xã) tôi vừa đi, vừa dắt xe trên con đường lớn hơn con ngựa thồ khi xưa, và cũng đã nhiều lần xe định lao... xuống vực, tôi đã được nghe bao câu chuyện cảm động về một thời gian lao, nhưng hào hùng của đồng bào các dân tộc Hậu Cấu, nhân dân Chí Cà, đã ngày đêm cùng bộ đội chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc trong những năm cuối thế kỷ XX.
Hậu Cấu hôm nay.

Bí thư chi bộ thôn Hậu Cấu, anh Sùng Văn Củi, đưa tôi về ngôi nhà trình tường 3 gian, lợp Phi bờ rô xi măng của gia đình, bên trong chứa đầy ngô quả. Anh Củi cho hay: Thôn có 42 hộ, 260 người, với 100% đồng bào Mông sinh sống chia thành 3 cụm dân cư. Thôn có 20 ha ngô, 10 ha lúa, gần 100 con trâu bò, lợn không kể. Ngoài ra còn rất nhiều thảo quả trồng tại cụm dân cưRừng Xanh. Còn 2 cụm là: Điểm trường và Mốc 3 (188). Đời sống đồng bào chủ yếu dựa vào trồng cấy, chăn nuôi. Cả thôn không cờ bạc, không nghiện hút, không theo đạo trái pháp luật, chỉ theo Đảng làm ăn, xây dựng đời sống ngày một đi lên. Nhìn ra khung cảnh mây mù như bịt mất đôi mắt thần của ông mặt trời, các anh trong thôn cho biết thời tiết nơi này mù tịt kéo dài từ tháng 10 đến tháng ba hàng năm. Mùa này rất ít khi thấy mặt trời, hoặc nếu có thì chỉ loáng thoáng mà thôi. Sương mù dày đặc không nhìn ngoài tầm chục mét làm tôi tiếc mãi. Lớp học Mầm non của cô giáo Vương Thị Mai, tưởng như nhỏ hơn chiếc chuồng bò của đồng bào Mông phía Bắc chìm trong sương. Tôi căng đôi mắt mãi mới phát hiện ra cô, trò đang mải mê “con chữ”. Lớp em có 18 cháu trong độ tuổi theo học. Mùa này trời không chút nắng, trong nhà không có điện, bảng đen, bàn ghế, đồng bào tự làm, nhà lớp tự hò nhau trình tường, tấm lợp cũng tự bảo nhau đóng tiền, tự đi mua về làm lớp học cho gần hai chục “Mầm non” đang đêm ngày nhu nhú, lên cao dần trong sương mù biên giới bao phủ bốn mùa. Bản thân cô Mai đã 6 năm gắn bản, bỏ lại chồng, 2 đứa con thơ gửi mãi quê nhà cho bà nội, tâm sự: Lương, tổng tất tật cả thu hút gần 5,5 triệu đồng/tháng. Trừ chi phí, bảo hiểm các loại còn 5,1 triệu đồng. Việc làm thì cả ngày cặm cụi với đám trẻ trong lớp, ngoài sân, mỗi khi trời hé nắng. Bạn bè là bà con nông dân người Mông, thôn Hậu Cấu. Mỗi tuần chỉ ra xã gần 9 km khi mà dầu muối hết? “... Không bạn bè, chẳng giao lưu thân cận thế này đến khi nghỉ hưu chắc...? Kề ngay trong lớp học là chỗ ở của cô giáo Mai làm tôi tò mò, thế nhưng, nhìn mãi chẳng nhìn thấy gì vì trời không... có nắng. Thật tiếc. Tôi thở dài. Chỉ biết mùa này quần áo, chăn màn lúc nào cũng hâm hấp mùi ẩm mốc. May mà... cô giáo đã có chồng. Bí thư Chi bộ Hậu Cấu Sùng Văn Củi chẳng giấu nổi xúc động khi nhắc đến chỗ ăn, ở, của các thầy cô giáo đã “vì tương lai” của bản mình mà bám trụ tại đây trong những năm qua, đồng cam, cộng khổ với dân bản nghèo. Anh Củi nói với tôi cũng như nói với lòng mình: Ngoài 30 tuổi, anh được ăn, học, làm Bí thư chi bộ hôm nay đó cũng là “con chữ” các thầy cô cho cả. Muốn trả ơn thầy cô lắm, nhưng cái nhà “còn chật”. Chỉ có chút công sức dân bản, ít tiền “nhỏ” bản mình góp mãi mua tấm lợp làm lớp học thôi. Buồn lòng lắm. Thông cảm với Củi, thầy giáo Long Văn Hùng, Nguyễn Thanh Bình cùng điểm trường trong thôn Hậu Cấu đỡ lời: Bám trụ cùng bản ngần ấy năm nay, dân bản giúp các thầy cô đã nhiều, nhất là trong lúc ốm đau, xa nhà, xa quê.
Lớp học của 2 thầy Bình và Hùng thì “to” hơn lớp của cô Mai, thế nhưng lại “thủng mái”. Bình cho biết: Cách đây ít hôm trời... giận, làm tốc mái bà con chưa kịp đi chợ mua về lợp lại. Cả 2 thầy đứng 3 lớp, gần ba chục học sinh từ lớp 1 đến lớp 3. Riêng lớp học của thầy Bình chừng hơn chục mét vuông kê làm 2 bảng đen ở “hai đầu...tường đất”. Học trò trong lớp quay về “hai đầu... nỗi nhớ” cùng học “con chữ” đó là “lớp ghép” 2+3. Thấy tôi vào cả thầy, trò trong lớp cùng đứng dậy chào. Biết bao khuôn mặt tuấn tú của bà con dân bản gửi cả vào đây cho thầy đấy. Bí thư Củi thêm lời trong lúc trao đổi với thầy Bình tình hình học tập của con em mình trong những ngày qua. Thật buồn, nhưng cũng thật vui khi mà lâu nay chỗ nọ, chỗ kia vẫn thường có nhiều ý kiến nói về các lớp học “ghép”. Còn vào đây, khi thấy Hậu Cấu gian khó, vất vả... không thể nói hết bằng cách mô tả, thì tôi lại thấy rất vui,có phần tự hào về các thầy cô đã kiên gan “bám bản, bám trường” mong thắp sáng mãi niềm tin vào tương lai cho bản nghèo vùng biên.

Thầy Bình tâm sự: Nếu chỉ vì tiền thôi, thì chắc bọn em không trụ nổi đến ngày hôm nay. Anh thấy đấy, cả bản có 3 cụm dân cư, 42 nhà đã quen lối con ngựa thồ đi về. Các thầy, cô ở đây đã là con em trong từng ngôi nhà trình tường, ấm đẫm tình thân trong gian khó cũng như hội làng ngày mùa vui vẻ. Chỉ mong: Hậu Cấu ngày nào đó sớm có đường, có điện, có trường và “sóng” điện thoại hết chập chờn cho các thầy cô đỡ nhớ người thân, để cho đồng bào mình đỡ đi những vất vả đời thường trong quá trình làm ăn, bảo vệ vững chắc biên giới Tổ quốc ta. Còn chúng em, mỗi thầy, cô mong cho “con chữ” ngày càng “bám rễ” sâu vào bản, làm cho ngô, đậu lên xanh...!

Rời Hậu Cấu trên lối con ngựa đi về ngàn năm nay ở tít lưng chừng núi cao trên 1.400m, tôi như thấy lối con ngựa đi đã làm cho lưng núi “oằn xuống”. Thời gian mãi là thước đo của lòng kiên nhẫn, tựa như những gì bản nghèo Hậu Cấu đã làm, đã phấn đấu cho cuộc sống đổi thay, giữ chắc, giữ yên, bờ cõi cho đất nước trường tồn.

Theo Báo Hà Giang điện tử