Người trưởng bản có “duyên nợ” với chiêng

10:35 AM 21/12/2011 |   Lượt xem: 1716 |   In bài viết | 
Thôn Đồi thuộc vùng ĐBKK, đời sống bà con chủ yếu dựa vào cây ngô, cây sắn. Được biết, trước đây, trong số gần 100 hộ dân của thôn Đồi đều sở hữu những đồ dùng bằng đồng trong gia đình, thông dụng nhất là nồi, mâm, xanh, chiêng, cồng... Thế nhưng, do cuộc sống khó khăn nên bà con đã mang đồ đồng, trong đó có chiêng đi đổi lấy gạo hoặc bán lấy tiền. Vì vậy, hiện nay còn rất ít gia đình ở thôn Đồi giữ lại được những vật dụng bằng đồng.
Riêng gia đình ông Xuất thì như có duyên nợ với chiêng. Ông luôn tâm niệm, dù mình nghèo khó bao nhiêu cũng phải giữ cho được văn hóa truyền thống của cha ông để lại. Cẩn thận xếp từng vật dụng bằng đồng thành một hàng, ông Xuất cho biết: “có nhiều người vào hỏi mua nhưng tôi không bán. Đây là những đồ dùng do ông cha để lại nên vô giá lắm. Cả thôn này còn duy nhất gia đình tôi giữ gần trọn bộ này thôi”. Những cái nồi, mâm đồng có 3 chân hình thù đầu vịt, sanh bằng đồng nguyên chất lâu ngày không được sử dụng đã ngả màu đen kịt, nhưng khi được đánh chùi thì lại óng lên màu vàng. Trong bộ sưu tập của ông Xuất, bộ chiêng có giá trị hơn cả. Bộ chiêng này có tuổi đời khoảng hơn 400 năm, nó đã đi theo gia đình ông suốt 5 đời. Mỗi khi trong thôn Đồi hoặc xã Thạch Lâm có đình đám, hội họp, tiếng chiêng của ông Xuất lại ngân vang. Chiêng của ông Xuất tiếng vang ấm chứ không bị chói tai nên trong vùng, nhà nào có đình đám lại đến nhà ông mượn.
Hiện nay, trước sự du nhập của nhiều luồng văn hóa từ phương Tây, nhiều thanh niên ở thôn Đồi cũng như ở xã Thạch Lâm không còn mặn mà với những vật dụng cổ nữa, nhất là âm nhạc của dân tộc mình. Mỗi khi có đình đám, thanh niên không biết phối hợp sao cho âm thanh trong một dàn cồng chiêng hoà quện với nhau, tạo nên sự nhịp nhàng, uyển chuyển. Ông Xuất hiểu điều đó nên thường xuyên hướng dẫn, động viên trai làng tham gia tập những động tác đánh cồng, chiêng trong những ngày lễ, tết đình đám.
Ông Cao Văn Sơn, người cùng thôn cho biết: “Ông Xuất không chỉ giỏi đánh chiêng mà còn là một người đảng viên gương mẫu, luôn đi đầu trong các hoạt động của thôn, được bà con nhân dân kính trọng, yêu mến”.

Bài và ảnh: Đinh Văn Điệp (Nguồn: Báo Dân tộc & Phát triển)