Bị đuổi đánh, công nhân Việt lao vào tàu hỏa ở Đài Loan

03:53 AM 27/12/2011 |   Lượt xem: 2472 |   In bài viết | 
Báo chí Đài Loan hôm thứ bảy đăng kết quả điều tra vụ án xảy ra ngày 29/11. Một công nhân người Việt Nam họ Nguyễn cùng ba người bạn đến một quán karaoke tại Đài Nam, Đài Loan và rời khỏi quán vào lúc 11h đêm. Khi ra, họ gặp một nhóm người bản xứ. Cô gái trong nhóm đó mặc váy ngắn và bước lên ô tô. Người công nhân Việt Nam quay sang nhìn.

Một người Đài Loan trong nhóm cho rằng công nhân người Việt đã cố tình nhìn nội y của vợ hắn, nên đã lớn tiếng quát nạt. Công nhân Việt Nam do không biết tiếng nên chỉ biết xua tay phủ nhận, nhưng do những người này đang ở trong trạng thái say rượu, nên cả nhóm đã cùng nhau đuổi đánh công nhân người Việt. Người thanh niên họ Nguyễn chạy thục mạng, ba người bạn Việt Nam còn lại do sợ quá nên cũng tản ra.

Theo cảnh sát Đài Loan, 8 người Đài Loan đã vừa đuổi vừa đòi đánh công nhân Việt Nam. Sau khi chạy được khoảng 100m thì Nguyễn gặp đường tàu hỏa. Mặc dù barie chắn tàu đã hạ xuống, còi hú báo tàu đang đến, nhưng do đằng sau có người đuổi, nên Nguyễn liều mình băng qua đường tàu để cố thoát thân.

Theo như đoạn băng quay lại hiện trường, chỉ 1 giây sau khi công nhân Việt Nam băng qua barie, anh đã bị tàu hỏa đâm. Với tốc độ khoảng 130km/h của đoàn tàu nhanh, Nguyễn bỏ mạng chỉ sau 8 ngày sinh sống và làm việc tại Đài Nam.

Ban đầu cảnh sát nhận định là một vụ tự tử. Tuy nhiên sau khi xem băng ghi hình, cảnh sát đã tìm ra được nhóm người truy sát kia. Trước cảnh sát, họ đã phủ nhận hành vi phạm tội, cho rằng khi nhìn thấy tàu, họ đã cố gắng gọi người công nhân Việt Nam quay lại nhưng anh ta vẫn cố chạy. Khi cảnh sát đưa đoạn băng ra làm bằng chứng, nhóm kia mới thừa nhận là họ có đuổi nhưng phủ nhận việc đánh người công nhân. Sau đó cảnh sát đã khởi tố nhóm người Đài Loan tội ngộ sát.

Vụ án này là một ví dụ cho thấy cuộc sống của người lao động nhập cư không đơn giản. Theo thạc sĩ Trần Phương Liên tại Viện nghiên cứu Xã hội học, Đại học Trung Sơn Đài Loan, nguyên nhân dẫn đến kết cục đau lòng một phần là do sự khác biệt văn hóa của công nhân Việt Nam, phần nữa là do sự kỳ thị đối với người lao động nhập cư. "Chống sốc văn hóa là điều quan trọng giúp cho người lao động để họ làm việc và sống thuận lợi hơn khi ở nước ngoài", bà Liên nhận xét.

Ngọc Phương (Nguồn: vnexpress.net)