Văn học dân tộc thiểu số trên hành trình mới

02:54 AM 17/04/2012 |   Lượt xem: 2245 |   In bài viết | 

Đây thực sự là tài sản quí của nền văn học Việt Nam. Nhưng các nhà văn dân tộc thiểu số hôm nay đang đứng trước nhiều thử thách và một câu hỏi lớn: Nghĩ và viết gì cho hôm nay và ngày mai?

Có một thực tế là giờ đây, người đọc cảm nhận được khá rõ sự phai mờ bản sắc trong từng trang viết, trong các sáng tác của các văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số.

Đây cũng là những trăn trở của nhà văn Cao Duy Sơn- Phó Chủ tịch Hội Văn học- Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (VHNTCDTTSVN) tại một hội thảo do Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tổ chức mới đây. Ông băn khoăn một điều, có thể là do vốn sống, độ chín những suy nghĩ của người viết còn chưa đầy đủ, nên khiến người đọc chưa mặn mà với tác phẩm văn học về đề tài dân tộc, miền núi.

Lý giải về điều này, nhà văn Y Phương (dân tộc Tày) cho rằng, sự hạn chế nằm ở chính người viết. Các tác giả là người dân tộc thiểu số ngày càng lớn tuổi, còn lớp kế cận vốn sống, vốn văn hoá hiểu biết truyền thống còn hạn chế, vì họ hầu hết sinh ra và lớn lên ở các đô thị lớn, bị "bứng" ra khỏi môi trường văn hoá truyền thống. Đó là sự thiệt thòi của lớp nhà văn này và cho cả bạn đọc hôm nay.

Bên cạnh đó, biến động trong đời sống kinh tế cũng đang tác động sâu sắc đến cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Ở nhiều nơi, đồng bào không chỉ là nông dân thuần túy nữa mà đã thành công nhân. Ví dụ như ở một số địa phương Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, rất nhiều đồng bào dân tộc trở thành công nhân trồng cao su, hồ tiêu, cà phê. Cũng đã xuất hiện nhiều chủ các trang trại, doanh nghiệp là người dân tộc. Thêm nữa, cũng có một số chính sách khi đưa vào vùng đồng bào các dân tộc nhưng không thích hợp, chẳng hạn, hiện nay ở Tây Nguyên có hàng nhiều nhà rông văn hoá, nhà văn hóa cộng đồng được đầu tư tiền của để xây dựng rồi... đóng cửa bỏ không, vì không thích hợp với đồng bào.

Tuy nhiên, theo nhà văn Đỗ Kim Cuông- Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các hội VHNT VN, điểm mấu chốt là văn nghệ chưa theo kịp thực tiễn phát triển trong đời sống đồng bào các dân tộc. Văn học của các dân tộc thiểu số miền núi cũng chưa bám sâu vào hiện thực trên chính mảnh đất mà nó đang sống. Các nhà văn, nhà thơ chưa bắt kịp dòng chảy của cuộc sống.

Cùng chung suy nghĩ này, nhà văn Cao Duy Sơn cho rằng, hiện nay những vấn đề của cuộc sống đương đại miền khác trước rất nhiều. Văn học nghệ thuật chưa phản ánh kịp thời, chưa phản ánh thấu đáo về vấn đề đó. Những người gắn bó về đề tài này chưa thực sự đặt mình vào trong hoàn cảnh thực tế hiện nay để viết nên những tác phẩm mang được hơi thở của cuộc sống trong tác phẩm của mình.

Nữ nhà thơ Bùi Thị Tuyết Mai ở Hoà Bình cho rằng, người viết cần phải nhanh chóng lược ghi lại cuộc sống nhưng không bằng cách nhìn đơn giản. Phải quan sát bằng mọi giác quan, bằng trái tim, đó là nhịp sống với tâm thế vững vàng trước mọi biến động của cuộc sống.

Nhà thơ dân tộc Chăm Inra Sara nhấn mạnh, nhiều dân tộc thiểu số Việt Nam vẫn chưa nhận được ra bản sắc của mình là gì hoặc nếu có thì còn rất mơ hồ. Văn học Tày, Thái đồ sộ như vậy nhưng vẫn chưa có bộ khái luận văn học, chưa nêu được bản sắc, đặc trưng sâu đậm nhất của văn học dân tộc mình. Trong khi đó có rất luồng tư tưởng khác nhau, có rất nhiều tác phẩm vừa cổ điển, vừa hiện đại của thế giới đang tràn vào. Nếu chúng ta chỉ tiếp nhận mà không nghĩ tới việc sẽ đóng góp gì cho nhân loại thì sẽ là một điều thiếu sót.

Theo nhà thơ Inra Sara, chúng ta phải biết chắt lọc để rút ra được những tinh hoa của nhân loại, của các trào lưu lớn trên thế giới để sáng tạo những giá trị riêng của mình. Sáng tạo cần phải hướng tới tương lai. Nhưng khi có được những tác phẩm vừa kết hợp giữa truyền thống và hiện đại rồi thì những người cầm bút phải trở về giữa cộng đồng và cống hiến cho cộng đồng. Nhà thơ Inra Sara cho rằng, điều quan trọng nhất của sáng tạo văn nghệ dân tộc thiểu số, miền núi là sự trở về trong cộng đồng dân tộc mình./.

(Theo Chinhphu.vn)