Bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam
07:51 AM 10/09/2012 | Lượt xem: 10146 In bài viết |Trong lịch sử dựng nước, giữ nước, dân tộc Việt Nam luôn phát huy tinh thần anh dũng, kiên cường, bất khuất, không cúi đầu trước bất cứ kẻ thù xâm lược nào. Cũng trong quá trình ấy, dân tộc Việt Nam ý thức rất rõ ràng về lòng tự hào, tự tôn dân tộc, trong đó có việc bảo tồn vốn tiếng nói, chữ viết riêng.
Trong thời kỳ hơn 1000 năm Bắc thuộc, do thế và lực còn yếu nên dân tộc Việt lúc bấy giờ buộc phải dùng chữ Hán, là chữ của đối tượng xâm lược. Tuy vậy, trong suốt những năm tháng dưới ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, dân tộc Việt không lúc nào nguôi ý chí tự lực, tự cường, anh hùng, bất khuất chống lại kẻ thù xâm lược, mà một trong những hành động có ý nghĩa thiết thực là tự hình thành ra một ngôn ngữ riêng để chống lại âm mưu “đồng hóa” của người phương Bắc. Bắt đầu từ cuối thế kỷ thứ IX, đầu thế kỷ thứ X, cha ông ta đã sáng tạo ra chữ Nôm nhằm tạo ra sự khác biệt với chữ Hán của người phương Bắc. Mới đầu chưa có chữ viết Nôm, mà mới chỉ có cách phát âm Hán-Việt (âm của người Việt đọc chữ Hán). Sau đó, văn tự riêng để ghi chép tiếng Việt, tức chữ Nôm ra đời (chữ dùng tả chuyện nôm na hàng ngày, trái với chữ Nho hay chữ Hán dùng trong hành chính, học hành cao xa). Sau năm 938, với chiến thắng rực rỡ của Ngô Quyền, dân tộc Việt đã chính thức thoát khỏi thời kỳ Bắc thuộc, giành quyền tự chủ cho dân tộc. Chính bắt đầu từ đây, chữ Nôm dần được hoàn chỉnh. Tuy nhiên, do những ảnh hưởng khá nặng nề của thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc nên sau thế kỷ thứ X, chữ Nôm và chữ Hán vẫn được dùng song song ở nước ta. Mặc dù vậy, thời kỳ này tuy nhiều văn bản được viết bằng chữ Hán, nhưng vẫn phát âm theo phong cách Hán-Việt, tức là phát âm theo kiểu ngôn ngữ Nôm. Ví dụ bài thơ "Nam Quốc sơn hà" của Lý Thường Kiệt thời kỳ chống quân Tống (1077), tuy viết bằng chữ Hán, nhưng được phát âm Hán-Việt như sau: "Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư". Theo các nhà sử học, bản viết chữ Nôm hoàn chỉnh xuất hiện sớm nhất ở nước ta là cuốn "Thiền Tông bản hạnh" có từ đời nhà Trần (thế kỷ thứ XIII). Từ thế kỷ thứ XIII đến thế kỷ thứ XV, chữ Nôm đã được dùng rộng rãi và phổ biến ở nước ra, cũng theo các nhà sử học, chữ Nôm thời kỳ này thậm trí còn có vai trò và vị trí lấn át cả chữ Hán (hay chữ Nho). Cho đến thế thứ XVI đến thế kỷ thứ XVIII, chữ Nôm đã thực sự phát triển khá rực rỡ trong văn chương. Những tác phẩm văn học viết bằng chữ Nôm tiêu biểu cho thời kỳ này là "Truyện Kiều" của Nguyễn Du (1765 - 1820), tuyển tập những bài thơ Nôm của nữ thi sỹ Hồ Xuân Hương (1772 - 1822), hay những mẩu truyện dân gian về Trạng Quỳnh cũng hoàn toàn được truyền khẩu và ghi chép lại bằng chữ Nôm trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh.
Cũng vào thời kỳ đầu thế kỷ thứ XVII, những nhà truyền giáo người Tây-ban-nha, đứng đầu là Linh mục Alếch-xăng Đờ Rốt vào Việt Nam, họ đã dùng ký tự La-tinh để phiên âm tiếng Việt, và chữ quốc ngữ dựa trên ký tự La-tinh được hình thành. Cách này đã giúp ghi âm một cách chính xác, phù hợp với khẩu hình của người Việt Nam, giúp người Việt Nam rất dễ học, dễ nhớ, dễ viết, thuận tiện trong giao tiếp và lưu trữ văn tự, song lúc này, chữ quốc ngữ mới chỉ được lưu hành trong hệ thống các nhà thờ Thiên chúa giáo. Tuy nhiên, phải đợi đến đầu thế kỷ XX, khi những nhà kháng chiến yêu nước trong nhóm Ðông Du ý thức được sự giản tiện của chữ quốc ngữ (một đứa trẻ đọc viết thông thạo sau nhiều nhất 2 năm với chữ quốc ngữ, trong khi phải sau 10 năm mới đọc và hiểu nổi các sách Hán-Nôm), cũng như hiệu năng của nó trong việc mở mang và nâng cao dân trí, thì chữ quốc ngữ mới thực sự được đón nhận là chữ nước nhà. Đánh dấu sự kiện này là sự ra đời của tờ "Gia Định Báo" - năm 1865 tại Sài Gòn-Gia Định, đây là tờ báo đầu tiên ở Việt Nam được viết bằng chữ quốc ngữ. Nhờ sự cổ vũ và bảo trợ qua báo chí, thơ văn, truyền đơn cách mạng… nên chữ quốc ngữ được truyền bá nhanh chóng, ngày càng hoàn thiện và được dùng ổn định cho tới tận ngày nay.
Trong suốt thời kỳ đấu tranh cách mạng, giành độc lập tự do cho dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chữ quốc ngữ luôn đồng hành cùng với mọi thắng lợi của cuộc cách mạng. Ngay trong những ngày đầu cầm quyền của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa còn non trẻ, nhiệm vụ “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm” đã được đặt lên hàng đầu. Đặc biệt, trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, rất nhiều lớp bình dân học vụ đã được mở trong chiến khu cách mạng để dạy chữ quốc ngữ cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân. Và, nhiệm vụ phát triển nền giáo dục được Đảng, Bác Hồ và Chính phủ xác định là quốc sách hàng đầu. Song song với dạy và học chữ quốc ngữ, Đảng và Chính phủ cũng rất quan tâm đến bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số. Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương người dân tộc thiểu số bên cạnh việc tích cực học chữ quốc ngữ, cũng phải chăm lo lưu giữ tiếng dân tộc; đối với cán bộ cách mạng muốn làm dân vận tốt cũng phải chăm lo học tiếng của đồng bào dân tộc, có vậy mới thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc” được với đồng bào. Trong bài “Một thắng lợi vẻ vang” (10/1960), để động viên cán bộ và nhân dân các dân tộc học chữ quốc ngữ, Bác Hồ viết: “Nhớ lại ngày phong trào Việt Minh mới bắt đầu, các em Mán đi chăn trâu, các thị Thổ đi lấy rau lợn, ai cũng mang theo một quyển vở nhỏ xíu để học chữ quốc ngữ”. Nói chuyện với cán bộ và học sinh trường Sư phạm miền núi Nghệ An (9/12/1961) Người hỏi các cháu học sinh người dân tộc: “Các cháu nói chuyện với nhau được không? Nói chuyện với nhau bằng tiếng gì?”. Điều đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh một mặt khuyến khích cán bộ nhân dân các dân tộc học tiếng và chữ phổ thông thì mặt khác lại khuyên cán bộ phải học tiếng dân tộc, Người nói: “Nước ta có nhiều dân tộc, đó là điểm tốt. Cán bộ đi làm việc chỗ nào phải học tiếng ở đấy”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đến việc xây dựng chữ cho các dân tộc thiểu số. Tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi (31/8/1963), Người nói: “Đồng bào Thái, đồng bào Mèo, đồng bào Tày, đồng bào Nùng đã có chữ của mình. Như thế là tốt”. Sau đó, Người căn dặn: “Cán bộ dân tộc thiểu số phải có ý thức chăm lo giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc mình”. Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số, Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng quyền mỗi dân tộc có tiếng nói chữ viết riêng, quyền bình đẳng và tự do phát triển ngôn ngữ của mỗi dân tộc. Chính sách về bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước ta là đúng đắn và nhất quán. Ngay từ văn kiện đầu tiên của Đảng tại Đại hội lần thứ Nhất (3/1935) đã khẳng định: “Các dân tộc được dùng tiếng mẹ đẻ của mình trong sinh hoạt chính trị, kinh tế và văn hóa”. Quan điểm trên được xuyên suốt qua các thời kỳ cách mạng, được tiếp tục khẳng định qua các quan điểm, chủ trương, chính sách Đảng và Nhà nước đối với vấn đề học và dạy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số Việt Nam. Ngày 22/2/1980, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã có Quyết định số 53/CP về chủ trương đối với chữ viết của các dân tộc thiểu số, trong đó xác định: "Tiếng nói và chữ viết của mỗi dân tộc thiểu số Việt Nam vừa là vốn quý của dân tộc đó, vừa là tài sản văn hoá chung của cả nước". Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, tại điều 5 đã quy định: “Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình”. Trong Luật Phổ cập giáo dục tiểu học được Quốc hội thông qua ngày 30/6/1991, tại Điều 4 có ghi: “Giáo dục tiểu học được thực hiện bằng tiếng Việt. Các dân tộc thiểu số có quyền sử dụng tiếng nói chữ viết của dân tộc mình cùng với tiếng Việt để thực hiện giáo dục tiểu học”. Nghị định số 72/NĐ-CP, ngày 06/8/2002 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thư viện, Điều 14, mục 6 có ghi rõ: “Nhà nước có chính sách đầu tư cho việc viết, xuất bản các sách, báo dành cho trẻ em, sách, báo bằng tiếng dân tộc thiểu số, tài liệu dành cho người khiếm thị để phục vụ cho các đối tượng này”. Chỉ thị số 38/CT-TTg, ngày 09/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ Về việc đẩy mạnh đào tạo bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc miền núi ghi rõ “Yêu cầu của công tác quản lý và phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức công tác ở các vùng có đồng bào dân tộc thiểu số phải biết tiếng dân tộc để giao tiếp và sử dụng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, đặc biệt là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện, xã, công chức nhà nước, sĩ quan, chiến sĩ trong lực lượng công an, quân đội công tác ở các vùng dân tộc, miền núi. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng và yêu cầu bắt buộc”. Trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục năm 2009, tại khoản 2, Điều 7 khẳng định: “Nhà nước tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giúp cho học sinh người dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp thu kiến thức khi học tập trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số được thực hiện theo quy định của Chính phủ”. Trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) Vềxây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, có nêu: “…Bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc. Đi đôi với việc sử dụng tiếng nói, chữ viết phổ thông, khuyến khích thế hệ trẻ thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số học tập, hiểu biết và sử dụng thành thạo tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình…”.
Đến ngày 15/7/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2010/NĐ-CP, Về việc quy định dạy và học tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên, có ghi rõ: “Người dân tộc thiểu số có nguyện vọng, nhu cầu học tiếng dân tộc thiểu số. Bộ chữ tiếng dân tộc thiểu số được dạy và học trong nhà trường phải là bộ chữ cổ truyền được cộng đồng sử dụng, được cơ quan chuyên môn xác định hoặc bộ chữ đã được cấp có thẩm quyền phê chuẩn. Chương trình và sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số được biên soạn và thẩm định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số đạt trình độ chuẩn đào tạo của cấp học tương ứng, được đào tạo dạy tiếng dân tộc thiểu số tại các trường cao đẳng, đại học sư phạm, khoa sư phạm. Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học tiếng dân tộc thiểu số theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo”. Mới đây nhất, ngày 14/1/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về Công tác dân tộc, trong đó khẳng định một trong những nguyên tắc cơ bản của công tác dân tộc là: “Đảm bảo việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết, bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc”. Cũng trong Nghị định 05/2011/NĐ-CP, đề cập đến chính sách phát triển giáo dục và đào tạo đối với các dân tộc thiểu số đã khẳng định: "Tiếng nói, chữ viết và truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được đưa vào chương trình giảng dạy trong các trường phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng, trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học phù hợp với địa bàn vùng dân tộc". Về chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa, Nghị định 05/2011/NĐ-CP cũng đã nhấn mạnh: "Hỗ trợ việc giữ gìn và phát triển chữ viết của các dân tộc có chữ viết. Các dân tộc thiểu số có trách nhiệm gìn giữ văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình phù hợp với quy định của pháp luật"... Điểm qua những văn bản pháp luật có nội dung liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy việc học và dạy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số cho thấy đây là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, được thực hiện nhất quán và đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Chính nhờ thực hiện chủ trương đó mà trong nhiều năm qua, vốn tiếng nói và chữ viết của nhiều dân tộc thiểu số ở nước ta được phát hiện, lưu giữ, bảo tồn và phát triển. Nước ta hiện nay có 54 dân tộc anh em, trong đó gần 30 dân tộc thiểu số có chữ viết, tiêu biểu như: Tày, Thái, Hoa, Khơme, Nùng, H’Mông, Giarai, Êđê, Bana, Xơđăng, Kơho, Chăm, Hrê, Mnông, Raglai... Hiện nay đã có một số ngôn ngữ, chữ viết dân tộc thiểu số được sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng từ trung ương tới các địa phương, như: Tày, Thái, Dao, H’Mông, Jrai, Êđê, Bana, Chăm, Khơme… Cả nước hiện có 20 tỉnh, thành phố đang tổ chức dạy tiếng nói và chữ viết dân tộc thiểu số cho gần 110 nghìn học sinh thuộc 7 dân tộc thiểu số: H’Mông, Êđê, Jrai, Bahnar, Chăm, Khmer, Hoa. Nhiều địa phương đã triển khai thực hiện dạy tiếng dân tộc cho học sinh trong trường phổ thông đạt kết quả tốt. Nổi bật phải kể đến Sóc Trăng dạy tiếng Khmer cho toàn bộ trường trung học cơ sở, hay TP Hồ Chí Minh, Cà Mau, Kiên Giang, Cần Thơ và Hậu Giang tăng số tiết học tiếng Hoa. Tại Sóc Trăng, Trà Vinh có hàng trăm nhà sư tự nguyện dạy tiếng Khmer miễn phí cho hàng ngàn học sinh trong dịp hè (chủ yếu dạy học trong chùa). Trước đây, trong số những dân tộc thiểu số ở Việt Nam, chỉ có dân tộc Hoa, Chăm, Khmer là có sẵn tiếng nói và chữ viết riêng, còn lại hầu hết các dân tộc thiểu số khác chỉ có tiếng nói mà chưa có chữ viết riêng. Nhưng sau khi Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) có Quyết định số 53/CP, ngày 22/2/1980 về chủ trương đối với chữ viết của các dân tộc thiểu số, đã tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu khoa học, nhà văn hoá, nhà nghiên cứu dân tộc tiến hành La-tinh hoá cách phát âm ngôn ngữ của một số dân tộc, giống cách mà như Linh mục Alếch-xăng Đờ Rốt đã làm trước đây với chữ Nôm. Việc làm này đã mang lại hiệu quả rất tốt, điển hình như bộ chữ viết La-tinh hoá cách phát âm của dân tộc H'Mông, Êđê, Jrai, v.v… Bên cạnh việc La-tinh hoá ngôn ngữ của một số dân tộc, thì nhiều dân tộc thiểu số khác (Tày, Dao, Thái…) cũng đã hệ thống được bảng ký tự riêng của mình, trong đó bảng ký tự của dân tộc Thái là một ví dụ khá điển hình. Hiện nay bảng ký tự của dân tộc Thái khá hoàn chỉnh và đang được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu ở các Hoà Bình, Sơn La thử nghiệm đưa vào tin học hoá, ứng dụng thí điểm ở một số trường nội trú trên địa bàn, bước đầu mang lại hiệu quả khả quan. Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương thực hiện tốt công tác lưu giữ, bảo tồn, phát huy vốn ngôn ngữ và chữ viết của các dân tộc thiểu số thì vẫn còn nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác này. Bên cạnh việc một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ, thì chủ yếu vẫn là vấn đề thiếu giáo viên dạy tiếng dân tộc. Hiện nay tất cả các trường Sư phạm trên cả nước, chưa có trường nào thành lập được khoa đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, rất ít địa phương xây dựng được đề án hoàn chỉnh về triển khai công tác lưu giữ, bảo tồn, phát huy và giảng dạy tiếng dân tộc thiểu số. Vì những lẽ đó, để thực hiện tốt việc phát hiện, lưu giữ, bảo tồn và phát huy vốn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số, trước mắt, các bộ ngành có liên quan và các địa phương cần quan tâm thực hiện một số công việc sau: 1. Tổ chức nghiên cứu, khảo sát, đánh giá một cách khách quan, chính xác những kết quả đã đạt được từ đó tìm ra những khó khăn, vướng mắc, tồn tại khi dạy và học tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian vừa qua; trên cơ sở kế thừa, phát huy những thành quả đã đạt được để xây dựng những phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch cho phù hợp. 2. Khảo sát, điều tra nhu cầu, nguyện vọng học tiếng dân tộc thiểu số của đồng bào về nội dung, hình thức, chương trình và loại chữ đưa vào giảng dạy (đối với đồng bào có nhiều loại chữ viết) cũng như việc sử dụng chữ viết đó sau khi được đào tạo, đảm bảo nội dung và hình thức đào tạo hợp lý, hiệu quả. Ví dụ: Ngoài dạy và học tại trường, trung tâm theo giáo trình cũng cần nghiên cứu các phần mềm hỗ trợ tra từ điển, học trực tuyến, qua trình chiếu, đĩa CD, phát thanh, báo chí… 3. Mặt trận Tổ quốc các cấp và các đoàn thể quần chúng làm tốt công tác vận động mọi tầng lớp nhân dân hiểu đúng, hiểu rõ ích lợi và tầm quan trọng của chủ trương dạy chữ dân tộc thiểu số trong trường phổ thông để từ đó vận động học sinh tích cực tham gia học chữ dân tộc thiểu số. 4. Ngoài việc hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo và người học theo Chỉ thị số 38/CT-TTg, ngày 09/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 82/2010/NĐ-CP, ngày 15/7/2010 của Chính phủ, cần hỗ trợ cơ sở vật chất, kỹ thuật, phương tiện, kinh phí cho đội ngũ làm công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa các dân tộc, sáng tác văn học nghệ thuật phục vụ cho đồng bào dân tộc bằng chính chữ viết của dân tộc thiểu số. Xuất bản các ấn phẩm như sách, báo, tạp chí, đĩa CD, video, lập các trang tin điện tử bằng chính chữ viết dân tộc thiểu số (tuy nhiên chỉ áp dụng cho những loại chữ viết dễ thể hiện dưới dạng các hình thức trên) để tiếng nói, chữ viết và các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số được thể hiện gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt của họ. 5. Các trường Sư phạm quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy tiếng, chữ dân tộc thiểu số. Tổ chức đào tạo và bồi dưỡng hè hàng năm cho giáo viên dạy tiếng, chữ dân tộc thiểu số. Có chính sách ưu tiên bồi dưỡng nâng cao và chuyên sâu đối với giáo viên cấp tiểu học, trung học cơ sở có bằng Cao đẳng Sư phạm trở lên là người dân tộc thiểu số, có kiến thức nhất định, hiểu biết về chữ viết của dân tộc mình. Sau khi đào tạo nâng cao và chuyên sâu, những giáo viên này được bố trí giảng dạy môn tiếng dân tộc phù hợp tại các trường sẽ triển khai dạy tiếng dân tộc. 6. Xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tiếng nói, chữ viết cũng như sự hiểu biết chưa cao của đồng bào dân tộc thiểu số để gây chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam./.
Theo ĐCSVN [TT: N.K.T]