Mở rộng đối tượng hỗ trợ là hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo

04:18 AM 17/05/2013 |   Lượt xem: 2466 |   In bài viết | 

Theo văn bản này, Phó Thủ tướng yêu cầu trong quá trình xây dựng chính sách, các bộ, ngành và địa phương cần lưu ý: việc xây dựng các cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững phải bảo đảm sự thống nhất và có lồng ghép; những chính sách đang phát huy hiệu quả cần được tiếp tục đẩy mạnh thực hiện; các chính sách còn hạn chế, có vướng mắc cần khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế.

Việc xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ mới cần theo hướng: mở rộng đối tượng là hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo nhằm hạn chế tái nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững. Các mức chính sách được thiết kế theo nguyên tắc: hộ nghèo được ưu tiên nhất, sau đó đến hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo.

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ giảm nghèo phải đặc biệt quan tâm đến dạy nghề, tạo việc làm gắn với hỗ trợ sản xuất, phát triển nông nghiệp, nông dân nông thôn và xây dựng nông thôn mới nhằm giảm nghèo bền vững;

Đặc biệt, định hướng giảm nghèo trong thời gian tới cần phân loại nhóm đối tượng để có các chính sách cụ thể theo hướng có lộ trình, phân loại đối tượng và chính sách để giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp “cho không” đối với một số nhóm cụ thể, đồng thời tăng dần các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm, khuyến khích người nghèo tự chủ vươn lên thoát nghèo.

Cũng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, việc giảm nghèo bền vững phải được thực hiện kiên trì, thường xuyên, liên tục, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, được nhân dân đồng tình ủng hộ và được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Việc hỗ trợ của Nhà nước là cần thiết và quan trọng nhưng cần xác định xóa đói giảm nghèo là việc của bản thân người dân, phải làm cho người dân tự giác, chủ động thực hiện và có trách nhiệm hơn nữa để vươn lên thoát nghèo. Nhà nước, xã hội và cộng đồng cũng cần nhận thức đúng trách nhiệm thực hiện giảm nghèo, chung tay thực hiện, hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững.

Thực hiện Chương trình giảm nghèo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước đã được thực hiện trong nhiều năm qua, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã quyết tâm thực hiện chủ trương này một cách trách nhiệm, hiệu quả. Các chính sách giảm nghèo bền vững đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến từng làng xã, thôn bản, người dân và đã thu được những kết quả tích cực; Chương trình giảm nghèo trong 2 năm qua cũng đã đạt được những kết quả đáng mừng, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình cũng còn những hạn chế, khuyết điểm cần tập trung khắc phục như: tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững, khoảng cách giàu – nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư còn lớn; nhiều vùng còn nhiều khó khăn, có vùng còn trên 50% hộ nghèo, cá biệt có vùng còn 60% - 70% hộ nghèo…

Phương Nghi (Nguồn: CPV)