Tăng cường hợp tác pháp luật Việt Nam – Nhật Bản

04:29 AM 27/08/2013 |   Lượt xem: 2435 |   In bài viết | 

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng nhấn mạnh, hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp, nhất là trong chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng pháp luật và đào tạo là một ưu tiên của Đảng, Chính phủ Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan chủ động đẩy mạnh hợp tác về pháp luật và tư pháp để tranh thủ kinh nghiệm của các nước đi trước, trong đó có Nhật Bản. Nhiều đạo luật hiện hành của Việt Nam có sự tham gia, hỗ trợ, đóng góp của các chuyên gia Nhật Bản, thể hiện sự tương đồng về pháp luật giữa hai nước.

Thứ trưởng bày tỏ mong muốn Bộ Tư pháp Việt Nam và Viện Nghiên cứu và đào tạo Bộ Tư pháp Nhật Bản sẽ tích cực hợp tác để có nhiều kết quả hơn nữa đóng góp cho quá trình xây dựng pháp luật và cải cách tư pháp của Việt Nam, cũng như phát triển mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản.

Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo Bộ Tư pháp Nhật Bản Sakai Kunihiko khẳng định, hướng tới xây dựng nhà nước pháp quyền nên hai nước cùng có nhiều điểm tương đồng thuận lợi cho việc hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là pháp luật và tư pháp. Để phát huy hơn nữa hiệu quả hợp tác, hai bên cần bắt đầu chuẩn bị cho giai đoạn hợp tác mới ngay từ hôm nay, cụ thể trong việc sửa đổi Bộ luật Dân sự, Bộ luật tố tụng Dân sự, Luật Phá sản và tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn về lĩnh vực hình sự…

Trong thời gian qua, sự hỗ trợ của Nhật Bản được thể hiện bằng những kết quả cụ thể thông qua việc nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật tố tụng Dân sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện hệ luật dân sự và kinh tế, mở rộng các cơ sở đào tạo pháp luật Việt Nam - Nhật Bản để “tạo nguồn” cho các cán bộ có chức danh tư pháp...

Tại hội thảo, đại diện các cơ quan tư pháp, Liên đoàn luật sư Việt Nam bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ được mở rộng thêm sang các lĩnh vực pháp luật khác như hành chính, hình sự… đặc biệt là sau khi Hiến pháp được sửa đổi và bối cảnh hội nhập toàn diện của Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục duy trì mở rộng phạm vi về đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Tư pháp Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam đào tạo chung các chức danh tư pháp... để phục vụ hội nhập quốc tế./.

Thu Hằng (Nguồn: CPV)