Chắp cánh ước mơ cho học sinh

11:17 AM 05/11/2013 |   Lượt xem: 2087 |   In bài viết | 

Trẻ đi học chuyên cần hơn

Sìn Hồ, Nậm Nhùn và Mường Tè là ba huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu, có địa bàn rộng, dân cư thưa thớt với nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 3 dân tộc Cống, Mảng và Si La thuộc đối tượng của “Đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010-2015” của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 2123). Sau 3 năm thực hiện Đề án, đã có trên 11 tỷ đồng được bổ sung để xây dựng cơ sở vật chất, trong đó xây dựng được 14 điểm trường tiểu học, với trên 30 phòng học trang bị đầy đủ bảng, bàn ghế và gần 20 phòng công vụ giáo viên. 

Nhờ đề án 2123, học sinh dân tộc ít người ở Lai Châu có trường lớp khang trang để học.

Điểm trường Huổi Van, thuộc trường Tiểu học số 2 Nậm Hàng (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu), nằm cách trung tâm thị trấn Nậm Nhùn gần một tiếng đồng hồ di chuyển. Con đường cấp phối gồ ghề đầy sỏi đá và đất cát, khiến đi lại càng vất vả. Điểm trường Huổi Van có gần 70 học sinh, trong đó có trên 40 em dân tộc Mảng. Trước đây, khi chưa có Đề án 2123, các em phải học tập trong những phòng học tạm bằng vách gỗ cong vênh, mùa đông gió lùa, mưa dột ẩm ướt. Do cơ sở vật chất thiếu thốn như vậy nên tỷ lệ các em đến trường luôn thấp, tình trạng nghỉ học dài ngày thường xuyên diễn ra. Từ khi có Đề án 2123, lớp học được xây kiên cố hơn, bàn nghế mới, nên các em rất vui mừng, tỷ lệ học sinh chuyên cần cao hơn.

Hiệu trưởng trường Tiểu học số 2 Nậm Hàng, thầy Vũ Tiến Thiệp cho biết: Nhờ Đề án 2123, năm học 2012-2013, điểm trường Huổi Van được xây dựng mới ba phòng học kiên cố, bổ sung thêm nhiều cơ sở vật chất phục vụ dạy và học như bảng, bàn ghế và thiết bị đồ dùng khác. Đây chính là những điều kiện để các em học sinh dân tộc ít người được học tập, rèn luyện trong môi trường giáo dục tốt. Đặc biệt, các em còn được hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng đặc biệt để có thể tiếp thu kiến thức tốt hơn.


Mong các bạn cũng có trường lớp để học 

Em Lò Văn Hợp, dân tộc Cống ở bản Tà Ngá, xã Nậm Chà học sinh lớp 10, trường Dân tộc nội trú Trung học phổ thông Nậm Nhùn (huyện Nậm Nhùn), rất vui khi được ở nội trú, cùng bạn bè yên tâm học tập. Lò Văn Hợp cho biết: “Em mong các bạn học sinh ở những vùng khó khăn khác trên đất nước cũng được học trong môi trường giáo dục tốt như chúng em”. 

Còn em Lý Me Chương, dân tộc Mảng, ở bản Nậm Ô, xã Nậm Ban, cho biết: “Nếu không có chính sách hỗ trợ ưu tiên thì em đã không thể theo học với các bạn. Gia đình em rất đông anh chị em nên khi được đi học như thế này là một vinh dự với em. Nhà cách trường hơn 100 cây số rất khó đi. Vì thế chỉ những ngày lễ, Tết em mới có điều kiện về thăm gia đình. Vào những dịp này, chúng em được quà, được tiền hỗ trợ của trường, của Nhà nước”. 

Bên cạnh việc tập trung xây dựng cơ sở vật chất, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, công tác tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên luôn được tỉnh Lai Châu chú trọng. Qua đó, đã tìm ra những phương pháp giảng dạy phù hợp và hiệu quả với học sinh dân tộc ít người.

 Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu, hiện có hơn 5.000 học sinh dân tộc được hưởng chính sách hỗ trợ học tập, trong đó có trên 2.600 em thuộc đối tượng của Đề án 2123. Việc triển khai những chính sách hỗ trợ trẻ em, học sinh các dân tộc rất ít người của Nhà nước ở Lai Châu là thiết thực, không chỉ giúp các em có điều kiện tiếp thu nhiều kiến thức mới, mở ra tương lai tươi sáng cho các em học sinh vùng đặc biệt khó khăn, mà còn góp phần xóa đói, giảm nghèo cho vùng có đồng bào dân tộc rất ít người.

Bài và ảnh:Quang Duy (Nguồn: baotintuc.vn)