Hiệu quả của trường học bán trú vùng cao Sơn La

03:00 AM 19/11/2013 |   Lượt xem: 2163 |   In bài viết | 

Do vậy, hàng năm có trên 60% học sinh trung học cơ sở và trên 20% học sinh tiểu học trên địa bàn huyện không thể đi học và trở về nhà trong ngày, các em phải ở bán trú tại trường để học tập. Nhằm giúp các em yên tâm học tập, từ năm 2012 huyện Bắc Yên bắt đầu triển khai xây dựng mô hình trường học bán trú, đến nay đã có 12 trường phổ thông dân tộc bán trú được thành lập. 

Đối với trường học bán trú, quan trọng nhất là nơi ở cho các em học sinh, nhưng do điều kiện đặc thù về địa hình gây khó khăn khi vận chuyển vật liệu để xây dựng nhà ở, vì vậy mô hình nhà lắp ghép đã được huyện Bắc Yên lựa chọn để xây dựng. Qua đánh giá mô hình nhà lắp ghép có nhiều ưu thế về giá thành, tiến độ thi công, độ bền vững, sự phù hợp của công trình đối với địa bàn vùng cao đặc biệt khó khăn, nên đã nhân rộng đến một số trường học ở xã Tà Xùa, Hồng Ngài, Hua Nhàn... Nhờ vậy, bước đầu giải quyết khó khăn về chỗ ở cho học sinh bán trú, giúp các thầy cô giáo, các em học sinh yên tâm hơn trong dạy và học. 

Vượt đỉnh Tà Xùa quanh năm mây mù bao phủ, chúng tôi có mặt tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Tà Xùa. Năm học 2013 - 2014, nhà trường có hơn 400 học sinh, trong đó, hơn 100 học sinh là con em thuộc các bản Trò A, Trò B, Bẹ, Mống Vàng, Chung Trinh… Các bản này đều nằm cách trung tâm xã hàng chục km, giao thông đi lại rất khó khăn nên các em phải ở bán trú tại trường. Đúng vào dịp khai giảng năm học mới vừa qua, công trình nhà bán trú lắp ghép dành cho học sinh hoàn thành trong niềm vui của thầy, trò nơi đây. Với số vốn đầu tư gần 500 triệu đồng, nhà được xây dựng bằng vật liệu khung thép lắp ghép, mái tôn, tường chống nóng, với diện tích hơn 170 m2, đáp ứng chỗ ăn, ở cho gần 130 học sinh bán trú của nhà trường.

 Đưa chúng tôi đi thăm trường, thầy giáo Đặng Văn Bắc - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học trước, các em vẫn phải ở tạm trong căn nhà xây đã xuống cấp, hơn 10 em một phòng khoảng 18 m2, chật chội và nguy hiểm. Nay được đầu tư nhà lắp ghép, giải quyết đủ chỗ ăn, nghỉ cho các em học sinh.

 Bên cạnh việc xây dựng nhà lắp ghép cho học sinh, các trường Phổ thông Dân tộc bán trú còn tổ chức nấu ăn tập trung cho các em. Để thực hiện điều này, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Yên đã hợp đồng với nhân viên để nấu ăn cho học sinh của các trường phổ thông dân tộc bán trú. Chất lượng bữa ăn của học sinh đã được nhà trường quan tâm và thực hiện đúng chế độ, đảm bảo chất dinh dưỡng.

 Với mô hình trường học bán trú, các em học sinh được ăn, ở tập trung và học tập tại chỗ, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với bạn bè, thầy cô. Nhờ thế tỷ lệ chuyên cần của học sinh tương đối cao. Phụ huynh học sinh rất phấn khởi, các em học sinh chịu khó học tập hơn, kết quả học tập của các em cũng có những chuyển biến tích cực.

Bà Lê Thị Loan - Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Bắc Yên cho biết: Năm học 2012 - 2013, huyện Bắc Yên có 4 trường phổ thông dân tộc bán trú, đến năm học 2013 - 2014, thành lập thêm 8 trường. Để đảm bảo điều kiện dạy và học cho các trường, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện đầu tư xây dựng phòng học, nhà công vụ giáo viên, nhà bán trú, bếp nấu ăn cho học sinh. Hiện tại, đã xây dựng 4 nhà lắp ghép cho học sinh bán trú, đang triển khai 2 nhà tại xã Háng Đồng và chuẩn bị mặt bằng xây dựng 2 nhà tại xã Hang Chú; 5 bếp nấu ăn tập thể cho học sinh. Bên cạnh đó, các trường được đầu tư phòng máy tính, trang bị hỗ trợ học tập, phòng y tế đảm bảo các điều kiện học tập, sinh hoạt của học sinh.

 Thực tiễn hoạt động của các trường vùng sâu, vùng xa đã khẳng định sự cần thiết của việc xây dựng nhà bán trú, mô hình này đã góp phần quan trọng vào việc tăng tỉ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Mô hình bán trú rõ ràng rất phù hợp với những trường vùng cao, vùng sâu như huyện Bắc Yên nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung.

Bài và ảnh: Lê Hữu Quyết (Nguồn: baotintuc.vn)