Thủ tướng dự Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 40 năm Quan hệ Đối thoại ASEAN - Nhật Bản
03:03 AM 16/12/2013 | Lượt xem: 2113 In bài viết |Tại Hội nghị, các nhà Lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản chia sẻ đánh
giá tích cực về sự phát triển mạnh mẽ và những thành quả quan trọng đạt được 40
năm qua trong quan hệ và hợp tác hai bên trên nhiều lĩnh vực, đóng góp hiệu quả
cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực. Nhật Bản là một trong những nước
đối tác đầu tiên thiết lập quan hệ đối thoại với ASEAN năm 1973 và tham gia Hiệp
ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC). Trong những năm gần đây, hợp tác
hai bên đang được triển khai tích cực thông qua các Kế hoạch Hành động về Quan
hệ Đối tác Chiến lược ASEAN -Nhật Bản giai đoạn 2005 - 2010 và 2011 - 2015.
Trong suốt 40 năm qua, Nhật Bản luôn là một trong những đối tác kinh tế, thương
mại, đầu tư quan trọng, là nước cung cấp viện trợ và hợp tác phát triển lớn nhất
ASEAN. Hiện nay, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN với tổng
kim ngạch thương mại hai bên đạt 262,4 tỷ USD năm 2012. Đầu tư trực tiếp của
Nhật Bản vào ASEAN năm 2012 đạt hơn 20 tỷ USD, chiếm 1/5 tổng số vốn đầu tư nước
ngoài vào ASEAN. Hợp tác văn hóa và giao lưu nhân dân hai bên cũng đạt được
nhiều kết quả tích cực thông qua các chương trình hợp tác, trao đổi thanh niên,
đặc biệt là Chương trình giao lưu thanh niên và sinh viên ASEAN - Nhật Bản (JENESYS)
nhằm gắn kết người dân, nâng cao hiểu biết về các giá trị văn hóa và lịch sử
truyền thống của nhau cho nhân dân và thế hệ trẻ hai bên.
Các nhà Lãnh đạo ASEAN đặc biệt đánh giá cao sự hợp tác tích cực và hỗ trợ quan
trọng của Nhật Bản dành cho ASEAN trong hợp tác, liên kết khu vực, xây dựng Cộng
đồng ASEAN, thu hẹp khoảng cách phát triển, cũng như trong ứng phó với các thách
thức ở khu vực. Thủ tướng Nhật Bản A-bê khẳng định chính sách đối ngoại trên cơ
sở Năm nguyên tắc, trong đó nhấn mạnh và coi trọng tăng cường quan hệ và hợp tác
với ASEAN về mọi mặt, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.
Theo đó, Nhật Bản sẽ tiếp tục ủng hộ ASEAN xây dựng thành công Cộng đồng, triển
khai liên kết khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển, đẩy mạnh hợp tác kết nối,
phát triển tiểu vùng thông qua cơ chế Mê Công - Nhật Bản, và phối hợp chặt chẽ
với ASEAN đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực. Cụ
thể, Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố cấp khoản trị giá 2 nghìn tỷ Yên cho các dự án
kết nối và khu hẹp khoảng cách ở ASEAN trong 5 năm, gia hạn và cấp thêm 100
triệu USD cho Quỹ Liên kết ASEAN - Nhật Bản, cấp 300 tỷ Yên cho hợp tác và hỗ
trợ ASEAN nâng cao năng lực quản lý và ứng phó với thiên tai, lập Trung tâm Châu
Á để tăng cường trao đổi thanh niên, sinh viên, nghệ thuật và học thuật với
ASEAN, tổ chức Giải bóng đá trẻ ASEAN.
Kết thúc Hội nghị, các nhà Lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản đã thông qua Tuyên bố Tầm
nhìn về Quan hệ Hữu nghị và Hợp tác ASEAN - Nhật Bản, Kế hoạch Triển khai Tuyên
bố Tầm nhìn và Tuyên bố chung ASEAN - Nhật Bản về hợp tác đối phó với các vấn đề
khu vực và toàn cầu, đề ra định hướng lớn và các biện pháp triển khai cụ thể
nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác ASEAN - Nhật Bản vì hòa bình, an ninh, ổn định,
thịnh vượng ở khu vực. Theo đó, ASEAN và Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác trong
quản lý thiên tai, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh và an toàn
hàng hải và hàng không; tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư hướng
tới mục tiêu tăng gấp đôi các dòng thương mại và đầu tư hai bên vào năm 2022,
thu hẹp khoảng cách phát triển, hợp tác kết nối; sớm hoàn tất và ký các Hiệp
định Thương mại Dịch vụ và Đầu tư, tiến tới hình thành Khu vực Mậu dịch Tự do
ASEAN - Nhật Bản toàn diện; phát triển nguồn nhân lực, giao lưu văn hóa, giáo
dục, du lịch; giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội và môi trường và nâng cao
chất lượng cuộc sống cho người dân; ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý và sử
dụng bền vững nguồn nước. Về an ninh hàng hải, các nhà Lãnh đạo cũng nhấn mạnh
tầm quan trọng và khẳng định quyết tâm hợp tác bảo đảm an ninh và an toàn hàng
hải, tự do hàng hải, thương mại không bị cản trở, giải quyết hòa bình các tranh
chấp phù hợp với các nguyên tắc luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp
quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); ủng hộ tham vấn chính thức giữa ASEAN và
Trung Quốc về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC).
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao tầm
quan trọng chiến lược của quan hệ ASEAN - Nhật Bản và nhấn mạnh cần tập trung
nguồn lực triển khai các cam kết, thỏa thuận và chương trình hợp tác đã thỏa
thuận; hoan nghênh Nhật Bản tiếp tục đóng góp tích cực và xây dựng cho hòa bình,
ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực; ưu tiên hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng
đồng, đẩy mạnh triển khai liên kết và kết nối khu vực, thu hẹp khoảng cách phát
triển, phát triển Tiểu vùng Mê Công và sử dụng bền vững nguồn nước. Trong trao
đổi về các vấn đề khu vực, Thủ tướng nhấn mạnh việc bảo đảm hòa bình, an ninh,
an toàn và tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tuân thủ luật
pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), thực hiện
nghiêm túc Tuyên bố DOC và nỗ lực để sớm đạt Bộ Quy tắc Ứng xử COC, bảo đảm tự
do và an toàn hàng không trên cơ sở luật pháp quốc tế, thực tiễn và các chuẩn
mực của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO)./.
Thu Hiên (Nguồn: CPV)