Xóa "vách ngăn" giữa chính sách và cuộc sống

02:42 AM 18/12/2014 |   Lượt xem: 2613 |   In bài viết | 

Các chính sách chỉ đến được một phần, thậm chí không tới được đối tượng thụ hưởng đã cho thấy có một khoảng cách khá xa với thực tế cuộc sống. Chính vì thế, cải tiến phương pháp xây dựng chính sách bằng nhiều cách thức khác nhau là vấn đề cần sớm được triển khai.

Chấm dứt tình trạng "việc ai nấy làm" Trở lại câu chuyện hỗ trợ giống lúa mới không phù hợp ở xã Y Tý, huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai), chúng tôi hỏi Bí thư Đảng ủy xã Ly Giờ Có: Vậy trước khi đưa giống lúa mới về xã, cán bộ huyện, tỉnh hay các nhà khoa học có về xã tìm hiểu, khảo sát địa hình, khí hậu hay cho trồng thử nghiệm trên một diện tích nào không? Và câu trả lời của đồng chí Bí thư là: Không. Các cán bộ huyện, tỉnh chỉ cho biết đây là giống lúa cho năng suất cao hơn giống thông thường và khi trồng, bà con sẽ được hỗ trợ 100% tiền giống. Như vậy, việc thiếu tính thực tiễn đã khiến cho việc áp dụng một chính sách thất bại ngay từ đầu. Đây được ví như tình trạng "việc ai nấy làm" và như vậy thì thật khó có hiệu quả như mong đợi. Cũng giống như việc cho vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất.

Việc đưa ra định mức là của các nhà hoạch định chính sách, còn vay và chi tiêu như thế nào, có phù hợp không là việc của người dân. Vì thế mới dẫn đến tình trạng mức cho vay năm triệu đồng theo Quyết định 32/QĐ-TTg hay mức cho vay tám triệu đồng theo Quyết định 54/QĐTTg vẫn là quá ít, không đủ để tác động đến việc tạo sinh kế và thay đổi đời sống cho đồng bào đặc biệt khó khăn. Hay các chính sách thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hiện cũng chỉ dừng lại ở mức trợ giá, trợ cước vận chuyển, xây dựng đường sá, chứ chưa giải quyết được vấn đề đầu ra cho sản phẩm một cách cơ bản. Vì vậy, có những vùng sản vật đã có, nhưng nếu không có thương lái thu mua thì cũng đổ bỏ. Thậm chí, theo một số chương trình giảm nghèo, bà con dân tộc thiểu số miền núi còn được phát máy gặt lúa. Nhưng do điều kiện địa hình và canh tác không phù hợp nên máy đành "đắp chiếu", vừa tốn kém tiền ngân sách, vừa không phát huy được bất cứ tác dụng nào. Bên cạnh đó, còn phải kể đến việc triển khai thực hiện Quyết định 07/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi giai đoạn 2006 - 2010.

Chủ tịch UBND xã Y Tý Tráng A Lử cho biết: Định mức đầu tư cơ sở hạ tầng theo quyết định này quá ít, giai đoạn 1 đầu tư bình quân 500 triệu đồng/xã, sau đó nâng lên 700 triệu đồng và một tỷ đồng/xã. Thực tế, số vốn này chưa đủ làm đường giao thông, chưa kể đến thủy lợi, điện, nước và các công trình khác. Trong khi nhu cầu đầu tư, hỗ trợ bình quân mỗi xã là khoảng 20 tỷ đồng, mỗi thôn, bản từ ba đến năm tỷ đồng thì nguồn vốn nhận được bình quân trong năm năm 2006 - 2010 mới đạt 5,2 tỷ đồng/xã và 0,65 tỷ đồng/thôn.

Không xuất phát từ nhu cầu thực tế, chính sách đứng ngoài cuộc sống là vì vậy! Tình trạng "việc ai nấy làm" không chỉ bộc lộ qua chính sách thiếu tính thực tiễn, mà còn thể hiện ở sự phối hợp lỏng lẻo giữa các bộ, ngành có liên quan. Cụ thể là trong sự phối hợp để xây dựng chính sách và phân bổ nguồn lực còn nhiều thủ tục rườm rà. Có chính sách thiếu sự đồng thuận của một số bộ, ngành, nên chậm hoặc không được ban hành. Thậm chí, chính sự thiếu kết nối trong hoạt động của các bộ, ngành chức năng cũng là nguyên nhân khiến việc lồng ghép nguồn lực đối với một số chính sách không khả thi.

Đừng để cuộc sống chờ chính sách Trao đổi về những hạn chế chung quanh các chính sách về xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho biết: Những hạn chế đang đòi hỏi chúng ta phải thay đổi, phải cải tiến phương pháp xây dựng chính sách trên cơ sở xây dựng các đề án, chính sách theo hướng đa mục tiêu, dài hạn, đa ngành, đa lĩnh vực và giảm đầu mối văn bản quản lý. Thí dụ, một tỉnh hay một vùng chỉ có một Nghị định của Chính phủ nhưng bao gồm cả kinh tế - xã hội, hạ tầng, y tế, giáo dục... Muốn thế, trước hết phải rà soát lại các địa bàn trọng điểm về nghèo đói để xây dựng chính sách riêng cho từng vùng, vì mỗi vùng có điều kiện tự nhiên, đặc thù dân tộc và phong tục tập quán khác nhau, các yếu tố liên quan đến đói nghèo cũng khác nhau.

Cho đến nay, mặc dù chúng ta đã xác định được lợi thế so sánh của từng vùng nhưng còn thiếu các chính sách phân vùng cho phát triển sản xuất. Yêu cầu thứ hai trong cải tiến phương pháp xây dựng chính sách là rút ngắn thời gian làm chính sách thông qua việc đổi mới phương pháp lấy ý kiến từ các bộ, ngành. Chứ như hiện nay, có văn bản gửi xin ý kiến bộ này, ngành khác mãi không thấy hồi âm, đến khi cho ý kiến thì cũng rất sơ sài. Những bất cập, hạn chế thuộc về điều hành, đầu mối như thế này cần sớm thay đổi, để tránh tình trạng cuộc sống chờ chính sách.

Đối với những chính sách đang thực hiện, sẽ hết hiệu lực vào năm 2015, nhưng nguồn lực cấp không đủ dù mục tiêu còn lớn, đối tượng thụ hưởng còn nhiều, Bộ trưởng Giàng Seo Phử nêu quan điểm: Chính phủ nên cho phép kéo dài thực hiện đến năm 2020 hoặc tổng hợp thành một chính sách được tiếp tục thực hiện từ năm 2016 cho đến khi hoàn thành mục tiêu, bao gồm các chính sách theo Quyết định 755/QĐ-TTg, 54/QĐ-TTg, 33/QĐTTg, 29/QĐ-TTg. Đối với các dự án khác, để bảo đảm nguồn lực thực hiện, Chính phủ cần có thông báo nguồn kinh phí trung hạn và dài hạn để chủ động trong xây dựng và tổ chức thực hiện. Do vốn dành cho các chính sách dân tộc có nhiều nguồn (vốn đầu tư, vốn sự nghiệp, vốn vay), cho nên cần được cấp đồng bộ để việc thực hiện chính sách có hiệu quả. Đặc biệt, cần ưu tiên phân bổ vốn ODA cho việc thực hiện chính sách dân tộc.

Trong khi đó, xuất phát từ thực tế địa phương, Trưởng phòng Dân tộc huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) Hoàng Công Kiều nhận định: Một trong những lý do khiến công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương rất chật vật là do khoảng cách giữa nghèo và thoát nghèo quá mong manh, khiến tỷ lệ tái nghèo ngày một phức tạp. Thí dụ, một hộ dân mới thoát nghèo, nhưng chỉ sau một đợt rét đậm, rét hại, con trâu bị chết là mất đi một khối tài sản lớn. Thế là đương nhiên trở thành tái nghèo.

Hơn nữa, khi thoát nghèo, các hộ dân bị "cắt" hầu hết các chính sách hỗ trợ, các ưu đãi từ hỗ trợ nhà ở, bảo hiểm y tế đến tín dụng... cho nên khi có biến động trong cuộc sống, việc tái nghèo rất dễ xảy ra.

Chính vì vậy, các ngành chức năng cần tính toán đến việc xây dựng các chính sách hỗ trợ các hộ đã thoát nghèo. Đồng thời, điều chỉnh hệ thống chính sách theo hướng khuyến khích tính chủ động vươn lên của người nghèo, cân đối giữa chính sách hỗ trợ có hoàn lại và chính sách cho không một cách hợp lý.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số nước ta có xuất phát điểm thấp so với nhiều vùng khác trên cả nước cả về kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế... cho nên xóa đói, giảm nghèo vẫn là câu chuyện thời sự và là công việc ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Song, đó cũng là công việc đầy gian nan, lâu dài và phức tạp, như lời đồng chí Giàng A Phông, Bí thư Đảng ủy xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái): Đối với Bản Mù, xóa hết đói, giảm hết nghèo là một giấc mơ mà thời gian thực hiện phải tính bằng thế hệ chứ không phải bằng năm. Hành trình còn gian nan nhưng khi có những chính sách sát thực tế, hợp lòng dân, thì giấc mơ như của Bản Mù chắc chắn sẽ không xa đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước.

Sau năm 2015, còn bốn chính sách dân tộc có hiệu lực, gồm: Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn; Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao (Quyết định 1672/QĐTTg); Chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Quyết định 56/2013/QĐ-TTg); Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn (Quyết định 102/2009/QĐ-TTg). Tuy nhiên, ở cả bốn chính sách này, định mức đầu tư đều không còn phù hợp với tình hình thực tế, nếu không điều chỉnh tăng định mức thì hiệu quả chính sách chắc chắn sẽ đạt thấp và phải tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện.

(Nguồn: Báo Nhân dân)