Bảo tồn văn hóa Tây Nguyên - Nguy cơ mai một nhà sàn dài
03:16 AM 25/12/2014 | Lượt xem: 2372 In bài viết |Đến Tây Nguyên, điều mà du khách thấy ấn tượng nhất là những ngôi nhà rông mái
cao vút như chiếc rìu khổng lồ tạc vào bầu trời xanh lộng gió. Ở vùng đồng bào
dân tộc Êđê, Gia Rai còn là những ngôi nhà sàn “dài bằng một tiếng chiêng ngân”
mà bao đời nay đã đi vào truyền thuyết, sử thi.
Kiến trúc độc đáo
Theo bà Linh Nga Niê Kdăm, nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên, đặc trưng kiến
trúc nhà sàn của Tây Nguyên là sử dụng vật liệu hoàn toàn bằng gỗ, tre, nứa…
những loại cây cỏ hiện diện trong rừng, trên nương rẫy, chứ không sử dụng vật
dụng bằng sắt thép. Phương tiện dùng để dựng nên những ngôi nhà rông, nhà dài
cũng rất đơn giản, chỉ với những chiếc rìu (xà gạc, và mỗi tộc người đều có cách
dựng nhà riêng, do chính các “kiến trúc sư” vai trần, chân đất, đóng khố của
cộng đồng tự thiết kế, tạo hình. Cụ thể, các cột và xà nhà của nhà sàn dài hay
nhà rông chỉ được đặt chồng lên nhau, hoặc ghép mấu (theo dạng ngàm) vào nhau
rất trùng khớp, khá vững chắc qua hàng mấy chục năm giữa nắng, gió của núi rừng
Tây Nguyên.
Trên các thân cột, xà ngang thường được chạm khắc nổi những hình ảnh quen thuộc
với cư dân miền núi như chim, rùa, kỳ đà, các hình sao, hình dấu nhân, mặt trời…
Điểm đặc biệt là nhà ở của đồng bào thường làm song song với hướng Bắc - Nam để
đón gió mát và không bị hắt nắng chiều, còn nhà mồ thì làm theo hướng Đông - Tây
để nắng và gió xua tan mùi hôi hám (nếu có).
Các tộc người Ba Na, Xơ - Đăng, Gia Rai, Triêng, Cơ Tu… thường định cư một chỗ
nên thường có nhà sinh hoạt cộng đồng, gọi chung là nhà rông. Ngôi nhà rông của
cộng đồng làng đều là nhà sàn, phổ biến có hình dạng mái cao vút dáng như lưỡi
rìu, vượt hẳn lên trên các ngôi nhà khác trong làng, trong buôn. Trên mái nhà
rông, cầu thang lên xuống, các xà ngang, cột cái trong nhà đều được trang trí
nhiều mô típ hoa văn.
Nhà rông của người Ba Na, Xơ Đăng có hình dáng tương tự như nhau. Tuy nhiên, bề
ngang của mái nhà rông của người Ba Na thường bằng chiều ngang nhà, trong khi
mái nhà rông của đồng bào Xơ Đăng thóp dần lại khi lên cao. Thông thường, với
nhà rông, đồng bào sử dụng gỗ chò chỉ, cà chít để làm cột, vách và sàn là nứa
đập dập, các vì kèo làm bằng tre, nứa, lợp bằng tranh. Mái nhà rông dốc, thường
cao từ 10 - 15 m, có hai đầu hồi và thóp dần dần lên tận nóc nhà. Một nửa phía
trên mái nhà rông của người Xơ Đăng lợp bằng hai lớp nứa đan cài các hoa văn
hình quả trám, kỳ hà rất đẹp, nửa mái dưới và hai đầu hồi lợp bằng tranh. Sau
khi đã lợp mái, đồng bào đan phên nứa để làm vách, cũng đan hai lớp nhằm tránh
mưa, gió. Sàn nhà rông làm bằng tre. Cây tre lớn chẻ đôi, chặt hết mắt, đập dập
làm bốn mảnh. Sàn nhà thường cách mặt đất hơn 1 m, nhà có 8 cây cột cái (đại
thụ).
Nhà sàn dài của đồng bào Êđê, kiến trúc tiêu biểu cho nhóm ngôn ngữ Nam Đảo,
khung nhà được làm bằng gỗ, xương mái, sàn bằng tre nứa, vách bao quanh bằng tre
nứa đập dập đan kết lại hoặc thưng bằng ván. Kích thước nhà dài phổ biến là xà
ngang dài từ 3,20 - 3,40 m, cột cao khoảng 3,60 - 4 m, lòng nhà rộng từ 4,5 -
5,3 m. Nhà dài nằm trong các buôn đều có đòn nóc nằm theo hướng Bắc - Nam, cửa
ra vào và cầu thang lên xuống, cầu thang có 7 bậc được làm bằng gỗ tốt, chủ yếu
là cẩm lai, hương, rộng từ 0,8 - 1,2 m, phía đầu cầu thang là nơi tiếp giáp với
hiên nhà thường tạc các hình mặt trăng, lưỡi liềm, hai bầu vú tượng trưng cho
sức sống, uy quyền của mẫu hệ. Bên trong nhà dài là gian lớn, giáp với hiên nhà
được dùng làm phòng khách, nơi tổ chức các sinh hoạt của gia đình, sinh hoạt
cộng đồng như đánh chiêng, các nghi lễ hàng năm, tiếp khách… Bên cạnh gian lớn
là các gian buồng riêng có từng bếp lửa của từng cặp vợ chồng, thông thường mỗi
nhà dài của đồng bào Êđê có từ 7 - 9 cặp vợ chồng cùng chung sống…
Nguy cơ mai một
Nhà sàn dài truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê, hay các ngôi nhà sàn truyền
thống của các tộc người khác ở Tây Nguyên hiện nay đang có nguy cơ bị xóa sổ.
Ngay tại Đắk Lắk, Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay Đắk Lắk chỉ còn
gần 2.000 ngôi nhà sàn dài truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê, giảm trên 600
ngôi nhà so với năm 2012. Nhiều buôn làng của đồng bào dân tộc Êđê ở các huyện
Cư Kuin, Krông Pắk, Krông Búk, Ea Kar nay không còn các ngôi nhà dài truyền
thống.
Từ năm 1980 trở lại đây, tỉnh Đắk Lắk chủ trương thực hiện việc tách hộ, phát
triển kinh tế vườn, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc phát triển kinh tế, xã
hội, nâng cao đời sống. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm những căn nhà sàn dài
bị xâm hại và đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”. Giai đoạn này, đồng bào sau khi
tách hộ, mỗi gia đình được tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ, tạo điều kiện mua vật liệu làm
nhà nhưng đa số đồng bào chỉ làm nhà xây cấp 4. Từ những năm 90 trở lại đây, do
ảnh hưởng của văn hóa đương đại, của đô thị hóa nông thôn, nhất là nguồn vật
liệu, chủ yếu là nguồn gỗ ngày càng trở nên khan hiếm, đắt đỏ nên đồng bào càng
đổ xô vào làm nhà xây theo kiểu kiến trúc của người Kinh hơn là nhà sàn dài
truyền thống của đồng bào.
Theo tính toán của đồng bào, cùng một diện tích sử dụng nhưng làm theo kiểu kiến
trúc căn nhà sàn dài truyền thống thì có giá đắt gấp 1,5 lần trở lên so với làm
nhà cấp 4 như người Kinh. Thậm chí, nhiều vùng chuyên canh cây cà phê, cao su,
hồ tiêu, đồng bào dân tộc Êđê ở các buôn làng sau khi có “của ăn của để” đã phá
bỏ nhà sàn dài truyền thống để xây dựng biệt thự, nhà cao tầng bằng bê tông cốt
thép. Ngay tại các buôn trong phố, thanh niên dân tộc Êđê sau khi lập gia đình
đều làm nhà xây như người Kinh để ở, không còn ai thiết tha làm nhà sàn dài
truyền thống….
Ngay các căn nhà sàn còn lại, kiểu kiến trúc cũng đã thay đổi nhiều như không
còn các ngôi nhà có chiều dài cả trăm mét nữa mà thay vào đó là các căn nhà chỉ
còn dài từ 25 - 45 m, mái lợp bằng tôn, bằng ngói. Cầu thang lên xuống không còn
hình dáng mẫu hệ như xưa mà thay vào đó bằng cầu thang với những mảnh ván ghép
lại, cách bài trí các gian nhà cũng khác đi nhiều không còn giữ được những nét
truyền thống...
Theo bà Linh Nga Niê Kdăm, văn hóa nhà sàn dài của các tộc người Tây Nguyên đang
bị mất dần trong sự phát triển của xã hội. Bà Linh Nga Niê Kdăm kiến nghị, các
tỉnh vùng Tây Nguyên nên sớm có biện pháp giữ gìn, bảo tồn kiến trúc nhà sàn dài
nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các
dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng.
Quang Huy (Nguồn: baotintuc.vn)