Tái cơ cấu nông nghiệp tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi
09:16 AM 25/12/2014 | Lượt xem: 3747 In bài viết |Thực hiện chính sách của Ðảng, Nhà nước trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, các chương trình, dự án trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi đã phát huy hiệu quả. Bộ mặt nông thôn vùng dân tộc và miền núi đã thay đổi rõ nét. Người dân đã từng bước thay đổi về nhận thức, năng lực sản xuất có nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; cơ chế chính sách và sự kết nối tuy ngày càng phù hợp hơn nhưng chưa đủ lực và chưa theo kịp cơ chế thị trường. Ðể có thể đánh giá về mục tiêu, ý nghĩa của tái cơ cấu nông nghiệp ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN), phóng viên Báo Nhân Dân phỏng vấn Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Sơn Phước Hoan.
PV: Ðồng chí đánh giá như thế nào
về sự hỗ trợ của các chính sách, chương trình dự án đối với những đổi thay và
phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS và MN trong thời gian qua?
Ðồng chí Sơn Phước Hoan: Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội chung, các
chính sách và chương trình dự án đã tác động tích cực đến sự đổi thay về nhận
thức, điều kiện và năng lực sản xuất của người dân vùng DTTS và MN. Chương trình
30a, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; Chương trình 135, đào tạo nghề,
giải quyết việc làm, chuyển giao khoa học công nghệ, tái cơ cấu nông nghiệp đan
xen, lồng ghép triển khai thực hiện trên địa bàn vùng DTTS và MN... đã góp phần
quan trọng vào việc tăng cường cơ sở hạ tầng, nâng cao nguồn nhân lực, thúc đẩy
phát triển sản xuất, giao lưu hàng hóa. Nhờ vậy, năng suất cây trồng, vật nuôi
được nâng lên, điều kiện sản xuất và sinh hoạt của người dân và việc tiếp cận
các dịch vụ công tốt hơn, chuyển dịch dần lao động ở nông thôn.
Trên thực tế, thông qua các chính sách, có địa phương kết nối được các nhà khoa
học, nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân trong phát triển mô hình sản xuất
nông nghiệp hoặc để giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương và các
khu công nghiệp trong cả nước, đem lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho hộ
gia đình. Tuy vậy, nhiều nơi vẫn để người dân tự "bơi", tự lựa chọn đầu vào sản
xuất, đầu ra của sản phẩm; tự tìm việc làm một cách tự phát... dẫn đến hiệu quả
lao động, sản xuất ở vùng DTTS và MN đạt thấp là điều khó tránh.
PV: Hiệu quả lao động, sản xuất ở vùng DTTS và MN đạt thấp phải chăng là do sự
kết nối thông qua chính sách giữa các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và
người dân chưa được nhiều và chặt chẽ? Theo đồng chí cần có giải pháp nào phù
hợp cho thực tế này?
Ðồng chí Sơn Phước Hoan: Thực tiễn sinh động đó cần được nghiên cứu để đưa ra
các giải pháp phù hợp trong lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp ở vùng DTTS và MN.
Trước tiên, cần có cách nhìn thấu đáo hơn đối với một số nhận xét về sự trông
chờ ỷ lại, ngại đi làm ăn xa của đồng bào vùng DTTS và MN... Thực tế họ rất cần
cù, siêng năng, mong có việc làm, dù xa hay gần.
Ðến thăm nhiều hộ đồng bào DTTS ở huyện Tương Dương (Nghệ An), chúng tôi chỉ gặp
trẻ con và người già, số lao động chính đều đi ruộng, nương rẫy hoặc đi lao động
ngoài địa phương. Hiện nay, có những vùng mà đồng bào DTTS sinh sống tập trung
đã sản xuất ra nhiều sản phẩm có năng suất, có nơi đã hình thành sản xuất hàng
hóa. Có một số vùng đồng bào làm ruộng, rẫy với năng suất lúa, ngô từ sáu đến
bảy tấn/ha, trồng các loại cây ăn quả, cây lâu năm có giá trị kinh tế; nhiều hộ
chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản đạt chất lượng tốt. Nhưng vì sao hiệu quả
kinh tế không cao; lợi nhuận ít, thu nhập của người dân vẫn thấp; số hộ khá,
giàu chưa nhiều, số hộ nghèo, cận nghèo và tái nghèo vẫn còn ở mức cao? Ðiều này
có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể kể đến chuỗi sản xuất của người dân ở vùng
DTTS và MN, quan hệ giữa đầu vào và đầu ra của các sản phẩm mà người dân tạo ra;
chất lượng nguồn lao động thấp do chưa được đào tạo nghề, cùng với những tác
động khác của xã hội.
Nhiều loại sản phẩm cây trồng, vật nuôi tăng nhanh về số lượng nhưng chất lượng
thấp, giá trị kinh tế không cao, phần lớn bán dưới dạng thô. Nhiều mặt hàng chưa
chế biến, hàm lượng công nghệ thấp; thậm chí phải bán sản phẩm "non" để chi trả
chi phí sản xuất. Tại vùng DTTS và MN, khâu sản xuất nguyên liệu chủ yếu do các
nông hộ nhỏ đảm nhận, các doanh nghiệp tham gia rất ít. Sản xuất ra sản phẩm lại
lo giá cả và thị trường tiêu thụ. Hiểu biết về thị trường, giá cả hàng hóa của
người dân hầu như rất hạn chế, hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái. Nhiều hộ gia
đình, sau vụ mùa thu hoạch lúa, ngô, sắn chất đống, đầy nhà... nhưng bán ở đâu,
bán cho ai, giá cả thế nào không rõ, chỉ biết trông chờ thương lái đến thu mua.
Sản xuất nông nghiệp vùng DTTS và MN còn mang nặng tính tự phát; sự liên kết
theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn rời rạc;
những yếu kém trong hoạt động thương mại làm cho hiệu quả sản xuất, kinh doanh
thấp, cạnh tranh yếu.
Ðể tái cơ cấu nông nghiệp vùng DTTS và MN đạt hiệu quả cần có nhiều giải pháp,
trong đó nên chú trọng nâng hàm lượng khoa học trong sản phẩm, nâng cao năng lực
sản xuất, giải quyết đầu ra của sản phẩm. Do vậy, cần tăng cường hướng dẫn đồng
bào ứng dụng khoa học vào sản xuất, đào tạo nghề giải quyết việc làm, đẩy mạnh
việc đưa thông tin kinh tế - xã hội về với đồng bào.
PV: Theo đồng chí để tái cơ cấu nông nghiệp đạt hiệu quả cao, nên tập trung các
khâu cơ bản nào?
Ðồng chí Sơn Phước Hoan: Một là, tái cơ cấu nên bắt đầu từ những việc cụ thể,
kèm theo kết quả từng giai đoạn, không làm theo kiểu phong trào; không áp dụng
mô hình chung cho tất cả các địa phương. Xây dựng mô hình để thực hiện tái cơ
cấu phải xuất phát từ người nông dân, từ cơ sở thực tiễn chứ không phải xây dựng
ra mô hình rồi áp đặt từ trên xuống, bắt họ phải làm theo.
Hai là, cần phát triển trên nền tảng ruộng đất, mặt nước, rừng, nhân lực... thế
mạnh và khả năng nông dân đang có. Sẽ không phù hợp nếu người dân đang sinh sống
bằng nghề trồng rừng lại được yêu cầu phải trồng lúa, rau màu và ngược lại; hoặc
đang nuôi gia súc, gia cầm lại chuyển đổi sang nuôi trồng thủy, hải sản... Cần
phát huy lợi thế trên địa bàn để tái cơ cấu; dĩ nhiên là nên có đột phá trong
lựa chọn lĩnh vực, ngành hàng sản xuất theo chuỗi giá trị tạo ra những sản phẩm
hàng hóa mà thị trường cần của từng địa phương.
Ba là, cần một hệ thống chính sách, tổ chức, đầu tư phục vụ và tạo mối liên kết
phù hợp để giúp người dân được trang bị kiến thức, có vốn vay, yên tâm về đầu
vào và đầu ra trong quá trình sản xuất. Chuỗi sản xuất được bảo đảm chất lượng
về giống, vật tư, phân bón, giá cả hợp lý của đầu vào và đầu ra chắc chắn có thị
trường tiêu thụ, không lo được mùa mất giá và được tư vấn hỗ trợ về khoa học, kỹ
thuật, bảo hiểm nông nghiệp...
Bốn là, từng địa phương nên chú trọng tạo việc làm để chuyển bớt lao động nông
nghiệp sang các ngành nghề khác, giải quyết việc làm cho người nông dân thiếu
đất sản xuất, có nhu cầu việc làm, chuyển đổi nghề nhằm nâng cao đời sống cho
người dân ở nông thôn không sống bằng nghề nông. Người lao động cần biết ngành
nghề phải học để tham gia thị trường lao động. Cần nâng cao hiểu biết cho người
dân vùng DTTS và MN trong việc lựa chọn giống cây con có năng suất, chất lượng,
có giá trị kinh tế đáp ứng nhu cầu thị trường và lựa chọn ngành nghề và nơi có
nhu cầu lao động.
PV: Mỗi địa bàn có một xuất phát điểm khác nhau và những đặc điểm thực tế khác
nhau cần quan tâm. Xin đồng chí cho biết cần làm gì để thực hiện tốt lộ trình
tái cơ cấu nông nghiệp vùng DTTS và MN?
Ðồng chí Sơn Phước Hoan: Ðể thực hiện tốt lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp vùng
DTTS và MN, có lẽ một số hoạt động cần được quan tâm là: Ðẩy mạnh tuyên truyền
nâng cao nhận thức, tạo sự quyết tâm cao trong hệ thống chính trị cơ sở và trực
tiếp là đồng bào các dân tộc; các địa phương nên có đề án tái cơ cấu các lĩnh
vực; rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, nuôi trồng
thủy sản phù hợp tiềm năng của từng địa bàn; điều tra, khảo sát nhu cầu lao động
cần đào tạo và kết nối với thị trường có nhu cầu để giải quyết việc làm cho hộ
thiếu đất sản xuất và nâng cao năng lực cho lao động trực tiếp sản xuất nông
nghiệp; tăng cường các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học
công nghệ, xem khoa học công nghệ là khâu then chốt để tạo đột phá trong tái cơ
cấu nhằm tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm; có chính sách khuyến
khích doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp vùng DTTS
và MN.
Thực hiện tốt Chương trình 135 giai đoạn III, kết hợp chương trình xây dựng nông
thôn mới và chương trình 30a để tiếp tục tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ
tầng kinh tế - xã hội và hỗ trợ phát triển sản xuất ở các xã, thôn, bản đặc biệt
khó khăn và vùng DTTS và MN. Xác định cơ sở hạ tầng là nhân tố quan trọng để
phục vụ yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp của cả địa bàn khó khăn và đặc biệt khó
khăn.
Trà My và Trọng Chàm (Nguồn: Báo Nhân dân)