Tăng cường phối hợp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số
04:52 AM 15/01/2015 | Lượt xem: 741 In bài viết |Các đồng chí: Giàng Seo Phử, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Nông Quốc Tuấn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì Hội nghị.
Qua 3 năm thực hiện chương trình phối hợp, các chương trình chính sách của Đảng và Nhà nước được triển khai và tổ chức thực hiện góp phần xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc miền núi ổn định, bộ mặt nông thôn đổi thay rõ rệt. Kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nhiều địa phương có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với đầu nhiệm kỳ trung bình từ 8 - 10%; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ổn định và từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo miền núi giảm từ 2 - 4%, riêng các huyện nghèo giảm trên 4%; kết cấu hạ tầng tiếp tục được tăng cường; công tác giáo dục, y tế nhiều tiến bộ; giá trị văn hóa được quan tâm bảo tồn và phát huy; hệ thống chính trị cơ sở được củng cố; trật tự an toàn xã hội, an ninh, quốc phòng được giữ vững.
Tại hội nghị, các đại biểu khẳng định, cùng với nỗ lực của các cấp, các ngành, 2 bên đã phối hợp góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc, giúp cho kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi từng bước phát triển; góp phần làm giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn. Việc trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra các chủ trương, biện pháp chỉ đạo và thực hiện công tác dân tộc, tập huấn cho người có uy tín giúp cho họ nâng cao trình độ, nắm bắt được những kiến thức cơ bản về vận động, tuyên truyền ổn định ở thôn bản. Qua đó góp phần củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phối hợp công tác giữa hai bên còn chưa đồng đều. Công tác kiểm tra, chỉ đạo điểm chưa được coi trọng đúng mức. Còn thiếu các mô hình chỉ đạo điểm thực hiện chương trình phối hợp để 2 cơ quan nghiên cứu, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm và nhân rộng. Trong quá trình thực hiện, chưa quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực dân tộc thiểu số…
Về chương trình phối hợp đến năm 2016, hai bên thống nhất tập trung vào 7 nội dung. Theo đó tập trung tuyên truyền đại hội Đảng các cấp; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; phối hợp tuyên truyền thực hiện các Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…; phối hợp xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách, chương trình của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, nhất là các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo cho những vùng đặc biệt khó khăn…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử đánh giá cao công tác phối hợp giữa hai bên góp phần thực hiện chính sách dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng chí Giàng Pheo Phử nhấn mạnh: Nhìn tổng thể 30 năm đổi mới, đời sống tinh thần, vật chất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số có sự đổi thay ngoạn mục, có rất nhiều điểm sáng, kinh nghiệm hay, chính bà con đã vươn lên vượt khó, thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Nhưng chúng ta khẳng định rằng chủ trương lãnh đạo nhất quán, quyết liệt, đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định. “Nếu không có sự lãnh đạo thống nhất, để bà con mỗi vùng miền tự phát, tự làm thì không có được kết quả như hôm nay” – đồng chí Giàng Seo Phử nêu rõ.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Giàng Seo Phử nhấn mạnh, hai bên cần tập trung vào việc xây dựng chính sách xóa đói giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền để cải tạo những phong tục tập quán lạc hậu. Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc thiểu số, kịp thời phản ánh những vấn đề bức xúc của đồng bào với Đảng, Nhà nước để giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh trong đồng bào dân tộc. Cùng với đó phải có các chương trình phối hợp các bộ, ngành khác, như Bộ Y tế, Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ Nội vụ… thì mới chăm lo một cách toàn diện cho bà con dân tộc.
Đối với công tác cán bộ, đồng chí Giàng Seo Phử cho rằng, đây là yếu tố quyết định mọi thành công của công việc, do đó, hai bên cần phối hợp đề xuất thay đổi những bất cập đang diễn ra trong công tác cán bộ như việc bố trí cán bộ không đúng, không trúng; bằng cấp, trình độ cán bộ không phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ công việc…/.
Theo dangcongsan.vn