Toàn lực cho giáo dục

05:41 AM 13/05/2015 |   Lượt xem: 1753 |   In bài viết | 

Tranh thủ tối đa nguồn lực

Là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Yên Bình, đồng bào dân tộc Dao chiếm tới 98%. Những năm trước đây, do điều kiện cơ sở vật chất trường lớp học còn nghèo nàn nên tỷ lệ học sinh huy động ra lớp hàng năm ở địa phương này đạt rất thấp. Toàn xã chỉ có một trường PTCS chủ yếu là phòng học tạm, thế nhưng từ năm 2012 đến nay, thông qua các nguồn vốn Chương trình 135 và chương trình kiên cố hóa trường lớp, xã Yên Thành đã được đầu tư xây dựng hệ thống trường học đồng bộ từ bậc mầm non đến THCS khá khang trang, trong đó có một trường phổ thông dân tộc bán trú THCS.

Thầy Nguyễn Văn Chúc - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Nhờ được đầu tư cơ sở vật chất nên chất lượng giáo dục của nhà trường không ngừng được nâng cao. Năm học 2013 - 2014, toàn trường đã có 4 em đạt giải kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi huy động đến lớp đạt 100%, số học sinh bỏ học giữa chừng không còn".

Với phương châm "giáo dục là quốc sách hàng đầu", những năm qua, Yên Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và chủ động ban hành nhiều chính sách nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội trong việc cho sự nghiệp giáo dục. Hàng năm, cùng với làm tốt công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ giáo viên, luân chuyển giáo viên về các xã vùng khó khăn..., huyện còn thường xuyên quan tâm, ưu tiên nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học.

Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp, toàn huyện đã xây mới được 112 phòng học, 80 phòng công vụ giáo viên, 18 bếp ăn cho học sinh, 29 công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn, lát gạch, bê tông, xây dựng hơn 7 nghìn mét tường rào, trên 14 nghìn m2 sân chơi. Đồng thời, tu sửa, cải tạo nâng cấp hàng trăm phòng học, phòng làm việc, phòng công vụ giáo viên cùng nhiều hạng mục phụ trợ khác bị xuống cấp với tổng kinh phí trên 68,8 tỷ đồng. Qua đó, nâng tỷ lệ phòng học xây kiên cố của toàn ngành hiện đạt 66% và tăng 21% so với đầu nhiệm kỳ.

Hơn thế, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học đã được huyện Yên Bình thực hiện theo lộ trình và có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, đặc biệt ưu tiên đến các xã vùng sâu, vùng xa. Huyện cũng đã khuyến khích việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục trong toàn ngành. Căn cứ vào tình hình nhiệm vụ thực tiễn, các địa phương trên địa bàn huyện đã tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm tự nguyện ủng hộ công sức tiền của để xây dựng phòng học, tu bổ khuôn viên trường lớp, mua sắm đồ dùng trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học khá hiệu quả. Để công tác xã hội hóa giáo dục thực sự đạt hiệu quả cao, Yên Bình đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền tham gia vào cuộc một cách tích cực và mỗi địa phương có cách làm riêng nhưng đều hướng tới mục đích là sử dụng nguồn vốn này đúng mục đích để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

Ông Nguyễn Minh Chính - Bí thư Đảng ủy xã Hán Đà cho biết: “Mặc dù đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhưng hàng năm xã đã tuyên truyền vận động 100% số hộ dân tự nguyện tham gia vào xã hội hóa giáo dục với số tiền hơn 100 triệu đồng/năm để xây dựng cơ sở trường lớp và mua sắm đồ dùng,trang thiết bị dạy học cho nhà trường. Hiện tại, xã có 2/3 đơn vị trường đạt chuẩn quốc gia”.

Thời gian qua, Yên Bình đã thu hút một nguồn lực đáng kể từ xã hội hóa, nổi bật như: 8 phòng học kiên cố cho Trường THCS xã Yên Bình do Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà đầu tư. Từ nguồn kinh phí xã hội hóa, nhiều công trình nước sạch và vệ sinh đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo cho các trường: THCS Thịnh Hưng, Trường Tiểu học Đại Đồng, Trường Tiểu học Ngọc Chấn; 2 bếp ăn tập thể Trường Tiểu học và THCS Phúc Ninh, Trường Tiểu học số 1 Yên Thành. Các đơn vị trường học cũng huy động xây dựng 470 m tường rào kiên cố, bê tông hóa 1.000m2sân trường.

Nâng cao chất lượng giáo dục

Giai đoạn 2010-2015 cũng là giai đoạn mà huyện Yên Bình huy động được nhiều nhất các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư cho giáo dục. Thông qua nguồn vốn này đã có thêm 10 phòng học mới trị giá hơn 3 tỷ đồng ở các xã Yên Bình, Phúc An và Yên Thành được xây kiên cố. Cùng với đó, công tác đầu tư sách giáo khoa và trang thiết bị dạy học như: bàn ghế, máy tính, đồ dùng cho học sinh bán trú tại các đơn vị trường cũng không ngừng được chú trọng. Với số tiền trên 13 tỷ đồng, trong những năm qua, đã có nhiều cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông của huyện được đầu tư các thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác dạy và học. Trong điều kiện nguồn lực còn nhiều khó khăn như hiện nay, để làm phong phú các tiết dạy, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học, nhiều đơn vị trường ở bậc học mầm non đã thường xuyên duy trì, phát huy hiệu quả phong trào tự làm đồ dùng, đồ chơi. Qua đó, không chỉ phát huy được tính sáng tạo của đội ngũ giáo viên mà còn góp phần tích cực sớm hoàn thành Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Cô giáo Lương Thị Oanh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh, thị trấn Yên Bình chia sẻ: “Trung bình mỗi năm học nhà trường phát động làm được hơn 1 nghìn đồ dùng đồ dùng, đồ chơi tự tạo có giá trị. Nhờ đó, nhà trường luôn được đánh giá là lá cờ đầu trong phong trào thi đua dạy tốt học tốt khối mầm non của huyện”.

Đầu tư xây mới trường, lớp học, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất thiết bị cho việc dạy và học chính là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo một cách toàn diện. Thời gian qua, do làm tốt công tác đầu tư, quản lý và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất mà quy mô, mạng lưới trường lớp của huyện Yên Bình được phát triển rộng khắp ở các cấp, từ bậc học mầm non đến THPT. Phòng học tạm, học nhờ, phòng học xuống cấp đã dần được thay thế, công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục được cải thiện.

Nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền cũng như người dân về trách nhiệm đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo được nâng cao, công tác xã hội hóa giáo dục đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ học sinh hoàn thành cấp học đối với bậc tiểu học đạt 93,1% (tăng 0,3% so với năm 2010); bậc THCS đạt 87,2% tăng 0,8% so với 2010. Duy trì vững chắc kết quả chống mù chữ và từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, 100% xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Cơ sở vật chất trường lớp học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia hiện chiếm 28,2%...

Sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng với tranh thủ tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự nghiệp "trồng người" của huyện ngày càng đạt chất lượng cao, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Trần Minh (Nguồn: Báo Yên Bái)