Hội thảo tham vấn Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

03:44 AM 12/06/2015 |   Lượt xem: 1403 |   In bài viết | 

Tham dự hội thảo có lãnh đạo các sở, ngành của các tỉnh, thành Nam bộ.

Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Sơn Phước Hoan, thời gian qua Đảng và Nhà nước đã đầu tư nguồn lực đáng kể cho việc thực hiện các chính sách dân tộc, trong đó có cả nguồn vốn trong và ngoài nước, sự hỗ trợ của cộng đồng, các tổ chức quốc tế và sự nỗ lực đóng góp của các đồng bào dân tộc. Từ đó, nhiều vùng của đồng bào dân tộc thiểu số đã có bước khởi sắc đáng kể, nhiều mô hình kinh tế - xã hội phát triển, cơ sở hạ tầng được tăng cường như: nhà ở, trường học, trạm y tế, giao thông nông thôn, thủy lợi, nước sinh hoạt, điện thắp sáng... Các hoạt động an sinh xã hội và các dịch vụ công được triển khai khắp vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: địa bàn bị chia cắt, phức tạp, đồi dốc lớn, nhiều bà con thiếu đất sản xuất. Đó là những vùng thường bị thiên tai dịch bệnh, làm ảnh hưởng nhiều đến nguồn nhân lực và chất lượng sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao nhất. Cả nước có tới 2.231 xã và trên 18.000 thôn là những địa bàn đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm trên 45%. Việc thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua còn nhiều và dàn trải, có nhiều lĩnh vực bị chồng chéo về đối tượng thụ hưởng và địa bàn thụ hưởng, thời gian thực hiện thường ngắn. Trong quá trình thực hiện thì cơ chế phối hợp, lồng ghép còn nhiều hạn chế...

Trước tình trạng trên, Ủy ban Dân tộc đã soạn thảo văn bản và xin ý kiến các bộ ngành, các địa phương để xây dựng đề án Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 trình Chính phủ phê duyệt. Chính sách mới được xây dựng theo hướng giảm đầu mối văn bản, thực hiện thời gian dài hơi hơn, nguồn lực thực hiện sẽ chủ động hơn theo trung hạn và dài hạn, tăng cho vay, giảm cho không, giảm về cơ chế, phân cấp mạnh cho địa phương để địa phương chủ động nhất là các địa phương có nguồn lực.

Tại hội thảo, đại diện các tỉnh, thành phố đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng về nội dung, đối tượng, cách thức và phương pháp hỗ trợ, cơ chế quản lý, phối kết hợp… của các ngành và địa phương về chính sách đặc thù.

Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ: Do xuất phát điểm thấp nên đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nam bộ thấp nhất vùng. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc còn tới 30% trong khi tỷ lệ hộ nghèo bình quân của vùng là 7,8%, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số dùng hố xí hợp vệ sinh chỉ chiếm 30%, dùng nước sạch chiếm từ 30-40%. Tình trạng học sinh sau khi ra trường bị thất nghiệp còn phổ biến. Công tác đào tạo nghề, công tác giải quyết việc làm thiếu căn cơ. Việc xây dựng chính sách đặc thù đề ra mục tiêu giảm nghèo từ 4-5%/năm là rất khó vì tỷ lệ này quá cao so thực tế trong khi tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương hàng năm chỉ đạt từ 2-3%.

Ông Dương Đình Lạc, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Sóc Trăng cho rằng: tính đặc thù của chính sách là ở chỗ chênh lệch mức sống, việc tổ chức sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số còn thua kém nhiều so với bình quân chung cả nước. Việc xây dựng chính sách cần quan tâm 2 lĩnh vực. Việc xây dựng chính sách ngắn hạn như đáp ứng các điều kiện sống ban đầu như: nhà ở, điện, nước sinh hoạt… thì dễ làm. Quan trọng là xây dựng chính sách dài hạn, hỗ trợ bà con thoát nghèo, phát triển kinh tế một cách bền vững, giúp bà con biết tổ chức sản xuất, biết tính toán làm ăn. Các chính sách khi xây dựng bắt nguồn từ thực tế thì mới đi vào cuộc sống và triển khai hiệu quả.

Ý kiến của các đại biểu cũng cho rằng: đồng bào dân tộc có tư tưởng làm ngày nào ăn ngày nấy mà không cần tích lũy, do đó trong chính sách cần tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào thay đổi tư duy nhiều hơn là hỗ trợ vật chất cụ thể. Hoặc xây dựng chính sách đặc thù không nên hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số ở những vùng khó khăn về đất công vì sẽ gây xáo trộn về đất trong các hộ dân, cần hỗ trợ trọn gói về nhà ở, đất ở, điện, nước sinh hoạt. Tập trung, ưu tiên hỗ trợ các dân tộc có mức phát triển thấp nhất, khó khăn nhất, yếu nhất; cần có chính sách mở về phân cấp quản lý, tăng nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách cho bà con để hạn chế bà con dân tộc vay vốn bên ngoài với lãi suất cao.

Theo: Ngọc Thiện/TTXVN