Đồng bào Huổi Khon, Nậm Kè vững tin vào Đảng

02:15 AM 08/06/2011 |   Lượt xem: 3185 |   In bài viết | 

Chúng tôi về Huổi Khon ngay sau ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Tiếp chúng tôi trong căn nhà gỗ cấp 4 là trụ sở của Đảng uỷ xã, đồng chí Lò Văn Sung-Bí thư Đảng uỷ xã và các đồng chí lãnh đạo Uỷ ban Nhân dân xã cho biết: Trong các ngày từ 30/4-6/5/2011, một số phần tử xấu đã dùng nhiều thủ đoạn kích động, lừa mị lôi kéo hàng nghìn đồng bào dân tộc Mông từ nhiều xã trong huyện và ở các địa phương khác như: Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Đắc Nông, Đắc Lắc… về khu vực bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé để chờ ngày Chúa phán quyết (21/5) và xưng vua.  Các cơ quan ban, ngành từ Trung ương, tỉnh, huyện, xã đã tuyên truyền, vận động giải thích để bà con nhận ra, không nghe theo luận điệu xuyên tạc của bọn xấu, quay trở về bản làm nương rẫy, ổn định cuộc sống. Cái gọi là "bạo loạn của người Mông" như một số tờ báo nước ngoài đưa tin hoàn toàn là sự thổi phồng, bịa đặt.

Bí thư Đảng uỷ Lò Văn Sung cho biết thêm: Đồng bào người Mông nói riêng, cộng đồng các dân tộc thiểu số xã Nậm Kè nói chung luôn một lòng tin theo Đảng. Điều này được minh chứng bằng kết quả cử tri tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2011-2016. Trong cuộc bầu cử lần này, xã Nậm Kè có 6 đơn vị bầu cử, 9 tổ bầu cử với tổng số 1.819 cử tri. Ngày bầu cử 22/5/2011, 1.819/1819 cử tri của xã đã tham gia thực hiện nghĩa vụ công dân, đạt tỷ lệ 100% (huyện Mường Nhé đạt tỷ lệ 99,34%). Những con số này hàm chứa trong đó tình cảm, trách nhiệm, niềm tin sâu sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số anh em sinh sống trên địa bàn xã đối với sự lãnh đạo của Đảng, với sự nghiệp đổi mới của đất nước. Điều đó cũng có nghĩa các thế lực thù địch sẽ luôn chuốc lấy thất bại trong âm mưu kích động, chia rẽ, gây mất đoàn kết các dân tộc.

Nhận định của Bí thư Đảng uỷ xã Nậm Kè Lò Văn Sung được củng cố thêm khi chúng tôi đến bản Huổi Khon. Huổi Khon có 97 hộ dân, 568 khẩu, 100% là người dân tộc Mông di cư từ nơi khác đến. Như bao bản làng của người Thái, người Cống, người Giáy nơi đỉnh trời Tây Bắc, Huổi Khon êm đềm toạ lạc giữa núi rừng hùng vĩ. Gặp Trưởng bản Sùng A Kỷ, ngay lập tức, ông bức xúc bày tỏ nguyện vọng của dân bản mong các cơ quan chức năng sớm tìm ra và xử lý thích đáng những kẻ đã lừa bịp người Mông.

Hỏi chuyện, Trưởng bản Sùng A Kỷ cho hay: Từ khi về định cư ở đây vào những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, bà con dân bản chăm chỉ nuôi bò, trồng lúa, bảo vệ rừng. Cuộc sống của đồng bào ngày càng tốt lên nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước. Thôn đã có đường ô tô đến tận nơi, có hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, có điểm trường, nhiều gia đình được sự hỗ trợ của Nhà nước đã làm được nhà lợp tôn vững chắc.

Chuyện với Trưởng bản chưa dứt, chúng tôi gặp ông Giàng A Co và vợ là Giàng Thị Pâu dắt trâu đi ngang qua. Cặp vợ chồng người Mông này trông có vẻ già trước tuổi. Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu sự thật về những gì đã diễn ra ở bản Huổi Khon, cả hai đã không ngần ngại kể chuyện nhà mình có cậu con trai lớn sinh năm 1978 bị bọn xấu ép buộc phải tham gia. Hai vợ chồng bất bình, mắng cho con một trận, phân tích để cậu con hiểu ra bộ mặt thật của những kẻ xấu, tự nguyện trở về nhà.

Có lẽ hơn ai hết, những người dân bản Huổi Khon hiểu rõ về những đổi thay lớn lao trong cuộc đời của họ. Từ chỗ có thói quen di cư tự do, nay họ đã được Nhà nước tạo điều kiện để định canh, định cư nơi bản mới. Cả bản chỉ có 4/97 hộ tham gia tụ tập đông người. Còn lại là dân ở nơi khác bị lừa phỉnh, dụ dỗ kéo đến. Bọn xấu đã lợi dụng vị trí “đắc địa” của bản là nơi ngã ba giáp với các xã Mường Toong, Pá Mỳ để tụ tập, khiến đời sống, sinh hoạt, trật tự trị an của bản bị xáo động trong 1 tuần lễ. Chúng đã hoàn toàn thất bại khi đồng bào nhận ra chân tướng của những chiêu bài lừa bịp. Đồng bào hiểu rõ chỉ có Đảng, Nhà nước mới thực sự quan tâm chăm lo nâng cao đời sống cho nhân dân, trong đó có cộng đồng các dân tộc thiểu số trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Xã Nậm Kè được thành lập năm 2006, có diện tích tự nhiên trên 15.329 ha, có 15,5 km đường biên giới giáp với nước bạn Lào anh em. Trên địa bàn xã có 9 bản, 6 dân tộc cùng sinh sống là Thái, Cống, Mông, Dao, Sán Chỉ, Kinh với 588 hộ, 3.566 nhân khẩu. Từ khi thành lập, cấp ủy, chính quyền xã xác định sắp xếp, ổn định dân di cư tự do là nhiệm vụ quan trọng. Xã đã tiến hành biện pháp gom dân lại để thành lập bản, quy hoạch khu sản xuất, khu chăn thả gia súc… Vận động nhân dân thay đổi tập quán sản xuất, thay vì phá rừng làm nương là nhận khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Năm 2010, số tiền mà Nhà nước trả cho bà con trong xã để bảo vệ rừng lên tới gần 1 tỷ đồng khiến bà con vùng giáp Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé rất phấn khởi. Với 100 ha lúa nước, trên 400 ha lúa nương, Nậm Kè còn được xác định là một trong những vùng sản xuất lúa gạo quan trọng của huyện Mường Nhé. Từ những thế mạnh đó, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc đoàn kết một lòng, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tích cực lao động, sản xuất, xây dựng quê hương.

Trong bộn bề gian khó của một xã mới được thành lập, các chính sách, chương trình, dự án của Đảng, Nhà nước đã được xã triển khai đầy đủ và thu được những kết quả quan trọng. Chương trình 167 về hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ nghèo đã thực hiện được 339/354 hộ, đạt 95,76%; Chương trình 134 hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có 81 hộ được thụ hưởng. Đường ô tô đến trung tâm xã được đầu tư từ nguồn vốn của Chương trình 135 giai đoạn II. Trường mầm non, trường trung học cơ sở và trạm y tế xã đã được kiên cố hóa; 2/9 bản được sử dụng điện lưới quốc gia…

Sau hơn 5 năm thành lập, những đổi thay to lớn ở Nậm Kè, ở bản Huổi Khon là kết quả sinh động chứng minh sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước đối với địa phương; tạo cơ sở thực tiễn để đồng bào các dân tộc yên tâm gắn bó, bám trụ với mảnh đất này.

Tuy vậy, 5 năm là một quãng đường ngắn ngủi chưa thể làm hết những việc cần phải làm ở Nậm Kè, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng vượt lên khó khăn của cấp ủy, chính quyền, đồng bào các dân tộc nơi đây cũng như sự tiếp tục quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước để giúp địa phương hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ xã, bản có trình độ chuyên môn, trình độ chính trị, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao.

Lúc chúng tôi đang chuyện trò với những người Mông cần cù, chất phác ở bản Huổi Khon, trời bỗng đổ mưa to. Cơn mưa rừng trắng trời, trắng đất là thế nhưng chỉ kéo dài trong ít phút đã tạnh ráo. Núi rừng bản Huổi Khon trở nên trong trẻo lạ thường./.

Theo Phương Liên (Website Đảng Cộng sản VN)