Người say mê chữ Thái cổ

09:19 AM 25/12/2014 |   Lượt xem: 2089 |   In bài viết | 

Ông Hoàng Trần Nghịch quê ở huyện Sốp Cộp (Sơn La), trong một gia đình cha là ông đồ chữ Thái, mẹ là hậu duệ của người anh hùng dân tộc Hoàng Công Chất. Từ nhỏ, ông được cha truyền dạy chữ Thái. Năm 1961, đang công tác tại Sở Giáo dục Khu Tây Bắc, ông được điều động sang bộ phận nghiên cứu xây dựng bộ từ điển Thái - Việt. Sau khi tham gia khóa đào tạo ngôn ngữ học, ông được giữ lại công tác tại Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Việt Nam, rồi làm Hiệu trưởng Trường Thanh niên dân tộc nội trú tỉnh Sơn La, sau này làm Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Sơn La. Dù ở cương vị công tác nào, ông vẫn không rời bỏ nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian, nhất là với chữ Thái cổ. Năm 2000, ông về hưu, dành tâm trí cho dịch thuật, khảo cứu, chắp bút viết lại những công trình chữ Thái cổ.

Ông tâm sự: Năm 1955, ông đã có chủ trương sưu tầm, lưu trữ các tác phẩm văn học chữ Thái. Sau mấy chục năm, đến nay Bảo tàng tỉnh Sơn La đã sưu tầm, lưu trữ được khoảng 2.500 cuốn, Thư viện tỉnh lưu trữ khoảng 1.000 cuốn, chủ yếu là sách văn học, phong tục tập quán, xem ngày giờ, răn dạy làm người, v.v... Tất cả sách chữ Thái cổ đều viết trên giấy dó, bìa bằng vải thổ cẩm cổ, có cuốn sách có niên đại gần mười thế kỷ...

Chữ Thái cổ có hai loại chữ âm vị và âm từ (chữ tượng hình). Ở Sơn La, người đọc, dịch được chữ Thái cổ âm vị còn vài ba chục người, trong đó, số người giải nghĩa được chữ âm từ chỉ có ông Hoàng Trần Nghịch. Dịch được chữ âm từ phải có kiến thức sâu rộng, suy luận, so sánh nhiều chiều mới thuyết phục được hội đồng khoa học. Ông Nghịch đã đọc, dịch, viết được hàng chục tác phẩm có giá trị, như: Sổ coi ngày, xem giờ dân tộc Thái; bộ sách lễ tang của dân tộc Thái; lời răn dạy người, nguồn gốc, đặc điểm dân tộc Thái về cúng ma tình yêu... Ngoài ra, ông còn dịch lời dựng các băng hát, như: Hạn khuống, Xống chụ son sao, Khu Lú - Nàng Ủa...

Năm 2014, ông xuất bản hai tác phẩm về chữ Thái cổ, gồm Xên Tống ký, dày 600 trang và tóm tắt truyện thơ chữ Thái cổ, dày 250 trang. Ông Hoàng Trần Nghịch mong ước, trong thời gian còn lại của đời mình sẽ sưu tầm, bổ sung, chỉnh lý hoàn thành cuốn từ điển Thái - Việt cho con cháu mai sau.


Bài và ảnh: Đức Tuấn (Nguồn: Báo Nhân dân)