Đ/c Ksor Phước - Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT (Nhiệm kỳ 2002 đến 2007) trả lời:
Quyền bình đẳng về chính trị đối với các dân tộc thiểu số luôn luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm.
Trước hết, quyền bình đẳng về chính trị thể hiện trong việc đồng bào các dân tộc được quyền tham chính của mình thông qua thực thi dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Công dân Việt Nam thuộc các dân tộc ít người có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân như mọi công dân khác theo quy định tại Điều 53 và 54 của Hiến pháp: “Công dân, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật”.
Hiện nay có nhiều đại biểu của dân tộc ít người giữ các vị trí lãnh đạo, kể cả cấp cao nhất trong bộ máy lãnh đạo của Quốc hội và Chính phủ Việt Nam. Số đại biểu Quốc hội khoá XI, nhiệm kỳ 2002-2007 là người dân tộc ít người hiện có 86/498, Khóa XII là 87/493 người (chiếm 17,27% và 17, 65% số đại biểu Quốc hội, cao hơn tỷ lệ 13,8 % dân số là người dân tộc ít người). Tỷ lệ đại biểu dân tộc ít người tại Hội đồng nhân dân các cấp cũng khá cao: 14% ở cấp tỉnh, thành phố; 17% cấp huyện và 19% cấp xã, phường. Tại các địa phương miền núi, tỷ lệ đó cao hơn nhiều. Số lượng cán bộ là người dân tộc ít người ở các địa phương không ngừng tăng: chiếm trên 31% cán bộ xã ở các tỉnh Tây Nguyên.